Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo các nội dung báo chí phản ánh về tình trạng phân lô bán nền tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản hoả tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc báo cáo theo phản ánh của báo chí.
Nêu tại văn bản này, Thanh tra Bộ cho biết, báo chí có phản ánh về tình trạng phân lô bán nền diễn ra tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng). Trong đó cho biết, có khoảng 100 dự án đã và đang thi công các hạng mục và chào bán rầm rộ.
Nhiều đồi chè bị san ủi để phân lô bán nền (Ảnh: “Dự án” Khu nghỉ dưỡng Sun Valley Bảo Lộc được giới thiệu, quảng cáo trên nhiều trang mạng do Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Khải Hưng phát triển/ Dân Việt) |
Ở Bảo Lâm, số dự án ít hơn nhưng diện tích từng dự án lại lớn hơn. Tại đây, có nhiều dự án đã áp sát rừng.
Những dự án bất động sản trái phép đang rầm rộ thi công là những đại dự án có diện tích hơn 10ha, thậm chí 41ha (gấp 1,4 lần khu trung tâm Hoà Bình – Đà Lạt), có dự án nằm ngay trong trung tâm TP Bảo Lộc…
Từ những phản ánh trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thanh tra Bộ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo bằng văn bản trước ngày 6/12 theo các nội dung báo chí phản ánh.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, trả lời báo chí về việc người dân phản ánh các doanh nghiệp núp bóng hộ gia đình cá nhân xin hiến đất làm đường, sau đó phân lô tách thửa bán để kiếm lời, UBND huyện Bảo Lâm cho biết, UBND huyện chỉ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.
UBND huyện cũng khẳng định: “chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn”.
Về việc chuyển mục đích sử dụng, tách thửa và rao bán dưới hình thức “đất nền nghỉ dưỡng, khu dân cư” và đặt tên cho các khu đất theo tiếng nước ngoài để bán, theo thông tin từ UBND huyện Bảo Lâm, các đơn vị được các hộ dân ủy quyền bán hàng đã tự đặt tên cho các khu đất được tách thửa là khu “nghỉ dưỡng, khu dân cư” và đặt tên bằng tiếng nước ngoài để bán hàng.
“Việc này, trong thời gian qua, UBND huyện phối hợp với Sở Truyền thông xử lý hành chính đối với một số đơn vị quảng cáo không đúng sự thật, như như Farm Hill, Forest Hill, Tropicana Garden, Green Wich…” – UBND huyện Bảo Lâm thông tin.
Về việc các khu vực đất tô vẽ thêm tiện ích, hồ bơi, sân bóng, công viên giống như một dự án bất động sản, chính quyền huyện Bảo Lâm khẳng định là do các đơn vị bán hàng trên các trang mạng tự tô vẽ thêm để bán hàng là không đúng quy định.
Một đồi chè ở TP Bảo Lộc bị san phẳng để phân lô bán nền |
Tháng 10 vừa qua, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng có kết luận thanh tra chỉ rõ về công tác quản lý đối với một số điểm mà người dân tự đầu tư hạ tầng, hiến đất nhằm mục đích phân lô, tách thửa có nhiều vi phạm; hình thành các điểm dân cư mới không đúng quy hoạch tại TP Bảo Lộc.
Thanh tra cũng đánh giá, thời gian qua, việc các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư hạ tầng như mở đường, dựng trụ điện để nhằm mục đích phân lô, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, trên các phương tiện truyền thông quảng cáo về “dự án bất động sản” nhưng thực chất là do một số đối tượng môi giới bất động sản tự đặt tên và đăng tin quảng cáo nhằm thu hút người mua. Thực tế, các dự án này đều không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Trong khi tình trạng phân lô xẻ nền tại Bảo Lộc lắng xuống thì tại huyện Bảo Lâm, tình trạng tương tự đã diễn ra với quy mô lớn hơn.
Tại một số vùng ven của Hà Nội, cũng ghi nhận tình trạng các khu đất ở nông thôn, đất ở kết hợp đất trồng cây lâu năm cũng đang được mua gom có diện tích từ 5.000 - 10.000m2, sau đó làm đường vào để phân lô bán nền.
Trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây, Ba Vì có hàng trăm khu đất được phân lô bán nền tự phát, nhân viên môi giới rao bán công khai trên Zalo, Facebook, và các trang tin điện tử do các cá nhân, công ty môi giới trên địa bàn lập ra.
Hồng Khanh