Chiều 6-2, cơ quan CSĐT- CAT Thái Bình kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất của Công ty Thiên Y Việt ( ở đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình). Tại đây, tổ công tác phát hiện 1 xe ôtô chở 14 thùng carton dán kín, mỗi thùng có chứa 30 chai dung dịch màu trắng ghi nhãn hiệu Rencide III – nước xịt tay sạch khuẩn được sản xuất bởi Công ty Thiên Y Việt không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.
Kiểm tra kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện trên 6.400 chai chứa dung dịch loại 100ml, 500ml chưa dán tem nhãn, gần 1000 chai loại 100ml, 150 ml, 500ml dán tem, nhãn hiệu Rencide, Hand sanitizer. Ngày 8-2, Sở Y tế Thái Bình cho biết, việc sản xuất các sản phẩm nước rửa tay trên của Công ty Thiên Y Việt là không đúng quy định của pháp luật. Do vậy, lực lượng chức năng đã đình chỉ các hoạt động cơ sở sản xuất của Công ty này. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trước đó, ngày 3-2, tại khu vực Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tổ công tác của C03 phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra 1 xe tải do Vũ Văn Khoa là chủ xe, phát hiện 25.000 khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ, xuất xứ nguồn gốc.
Trong mùa dịch, nhu cầu về khẩu trang y tế, nước rửa tay luôn ở mức cao
Liên quan đến các sự việc trên, Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, khẩu trang y tế là sản phẩm chỉ sử dụng một lần, và tiêu hủy theo chế độ rác thải y tế độc hại, không tái sử dụng. Nếu người dân phải khẩu trang y tế đã qua sử dụng về dùng lại là rất nguy hiểm bởi từ đây nguồn bệnh sẽ lây lan nếu không được xử lý tiệt khuẩn.
Tương tự, với sản phẩm nước sát khuẩn, nếu sản phẩm này không đảm bảo chất lượng sẽ không có tác dụng phòng chống dịch bệnh , đe dọa sự an toàn về sức khỏe, tính mạng người dân.
Do vậy, theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hình sự, Điều 192 BLHS 2015 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 100 triệu-1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại khoản 3 sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc này thì bị phạt tiền từ 1-9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng-3 năm, thậm chí bị đình chỉ vĩnh viễn…
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, tội sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng, quyền được bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh đứng đắn.
Sản xuất hàng giả là hành vi sản xuất ra các loại hàng hóa tiêu dùng không đảm bảo chất lượng, đúng kiểu dáng, nhãn hiệu và chất lượng đã đăng ký , hoặc nhái lại kiểu dáng của hãng nổi tiếng đã đăng ký bản quyền...Buôn bán hàng giả là hành vi mua hàng biết rõ là hàng giả với giá rất rẻ và dùng các thủ đoạn gian dối để bán cho người tiêu dùng với giá của hàng thật.
Do đối tượng sản xuất hàng giả có các phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, người tiêu dùng khó có thể phân biệt hàng thật - giả bằng mắt thường nên để tránh "tiền mất, tật mang", trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp người dân nên mua khẩu trang y tế, nước sát khuẩn trong nhà thuốc có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, không nên mua hàng bày bán trôi nổi trên thị trường.