Ngày 19-4, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Thanh Tuyền (24 tuổi, trú tại thôn Giang Liễu, xã Phước Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an quận Long Biên đang củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan gồm: Nguyễn Thị Mỹ Hà (39 tuổi, trú tại phường Giang Biên, quận Long Biên); Nguyễn Văn Anh (26 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm) và Trần Ngọc Trung (32 tuổi, trú tại Ngọc Trục, Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội).
Đây là vụ án làm giả thông tin khách hàng để rút tiền với thủ đoạn mới, rất tinh vi, có sự câu kết của cán bộ công ty tài chính với đối tượng phạm tội; sử dụng máy giả giọng điện thoại để đánh lừa đơn vị chức năng.
Trước đó, qua công tác quản lý nghiệp vụ và sự phối hợp của một công ty tài chính trên địa bàn Hà Nội, Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Long Biên (Hà Nội), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tô Anh Dũng, Phó Trưởng Công an quận Long Biên, có thông tin về một nhóm đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu giả, thông đồng với cán bộ của một công ty tài chính để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Nhóm đối tượng hoạt động rất tinh vi, thường xuyên thay đổi địa điểm rút tiền tại các bưu điện trên địa bàn... Từ thông tin trên, Đội Cảnh sát Hình sự đã tổ chức nắm tình hình, dựng chân dung đối tượng nghi vấn.
Quá trình theo dõi, tổ công tác gặp rất nhiều khó khăn, Trung tá Nguyễn Văn Quang, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên chia sẻ: Để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, kẻ chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp xuất đầu, lộ diện; chúng sử dụng chân rết là các đối tượng không có công ăn, việc làm rồi yêu cầu họ chụp ảnh, làm giả các chứng minh nhân dân để rút tiền.
Trong khi đó, thủ tục rút tiền của các bưu điện rất đơn giản, người đến rút chỉ cần một mã code và một chứng minh nhân dân....
Các đối tượng trong vụ án.
Quá trình dày công theo dõi, khoảng 13h, ngày 14-4, Đội Cảnh sát Hình sự phát hiện hai đối tượng nghi vấn là Nguyễn Văn Anh, Trần Ngọc Trung xuất hiện tại Bưu điện Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên.
Sau khi ngó nghiêng, quan sát xung quanh, một trong hai đối tượng vào bên trong làm thủ tục rút 25 triệu đồng, đối tượng còn lại đứng ở bên ngoài chờ đợi.
Sau khi Văn Anh bước ra ngoài, các trinh sát đã tổ chức bắt giữ. Đối tượng Văn Anh đã dùng chứng minh nhân dân giả mang tên Trần Xuân Duy, trú tại Vô Tranh, Hạ Hòa, Phú Thọ, làm thủ tục rút ra 25 triệu đồng của ngân hàng. Cùng thời điểm này, một tổ trinh sát bắt giữ đối tượng Trần Ngọc Trung.
Từ lời khai của Văn Anh và Trung, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên đã bắt giữ Nguyễn Thanh Tuyền và Nguyễn Thị Mỹ Hà, từ đây đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn làm giả thông tin khách hàng để rút tiền đã được làm rõ.
Qua mạng xã hội, Nguyễn Thị Mỹ Hà biết chương trình vay theo sim của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, hạn mức vay từ 25 đến 50 triệu đồng.
Vào thời điểm đó, Hà đã ly hôn chồng, lại không có công ăn việc làm ổn định nên nảy ý định câu kết với Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên bán hàng của một công ty tài chính, làm giả hồ sơ để rút tiền của ngân hàng. Về phần Tuyền, Tuyền đã từng theo học lập trình phần mềm tại một trường đại học liên kết giữa Ấn Độ và Việt Nam tại Hà Nội.
Tuyền có nhiệm vụ tư vấn, thiết lập hồ sơ cho người có nhu cầu vay tiền. Thế nhưng, Tuyền đã không thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ được giao.
Theo lời khai của Tuyền tại Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên thì nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội của anh ta là do muốn hoàn thành chỉ tiêu, để được ký hợp đồng với công ty tài chính này, đối tượng phải ký được hợp đồng với 18 khách hàng. Vì thế, khi Hà đặt vấn đề làm giả hồ sơ để rút tiền của ngân hàng, Tuyền đã đồng ý ngay vì đôi bên cùng có lợi. Hai đối tượng thống nhất, Hà sẽ mua số sim của người vay với giá là 800 nghìn đồng.
Sau đó, Hà cung cấp sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, số sim của khách hàng và hai số điện thoại tham chiếu của người thân khách hàng vay tín chấp gửi qua mạng zalo cho Tuyền. Đối tượng Tuyền sau đó tự lập hồ sơ, đẩy lên hệ thống dữ liệu thẩm định duyệt vay của ngân hàng.
Sau khi hồ sơ được duyệt, Hà thuê người dùng chứng minh nhân dân giả, dán ảnh của người được thuê đến bưu điện rút tiền. Một trong số đó có đối tượng Trung.
Khi Hà bảo Trung chụp ảnh để dán vào chứng minh nhân dân của người khác lấy tiền, Trung biết hành vi đó là sai phạm, song vì khoản tiền lời trước mắt, Trung đã phớt lờ tất cả. Đối tượng này đã 4 lần rút tiền hộ cho Hà trên cơ sở các giấy tờ giả...
Tại cơ quan Công an, Hà khai chi cho Tuyền công lập hồ sơ vay vốn mỗi hồ sơ là 500 nghìn đồng và chi cho người rút tiền mỗi lần là 500 nghìn đồng. Mỗi hồ sơ sau khi rút tiền, Hà được 2 triệu đồng, bao gồm cả tiền Hà mua sim.
Để tránh sự phát hiện của ngân hàng trong quá trình thẩm định, thủ đoạn của đối tượng Hà cực kỳ tinh vi. Hà đã mua một chiếc máy điện thoại di động của nước ngoài, cùng lúc có thể cài đặt được nhiều số máy.
Sau đó, đối tượng cài đặt vào máy các số hiển thị, khi nhân viên ngân hàng gọi đến thẩm định, chị ta có thể đổi 6 giọng nói khác nhau nên dễ dàng qua mắt được ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Hiện cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đã yêu cầu phía ngân hàng cung cấp 75 hồ sơ tín dụng giả đã bị chiếm đoạt với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng để giám định tài liệu làm căn cứ làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.
Song qua kiểm tra 1/75 hồ sơ, đồng thời là hồ sơ đối tượng dùng để vay tiền thì xác định không có người đứng tên trong hộ khẩu. Vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.