Những năm gần đây rươi trở thành con đặc sản có nguồn dinh dưỡng cao. Tuy không cần phải nuôi nấng như những con vật nuôi khác nhưng lại có thể cho nông dân nhiều huyện của thành phố Hải Phòng thu nhập “siêu khủng” nếu thời tết và thủy triều thuận lợi.
Rươi là lộc trời cho
Ở Hải Phòng, cứ vào dịp cuối năm, độ “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm” (tháng chín tháng mười được tính theo lịch âm) tức thời điểm rươi- một thứ “lộc trời cho” lại xuất hiện, đem lại nguồn thu khủng cho bà con thuộc các huyện ven cửa sông như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy. Ngay từ đầu tháng chín, bà con đã bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị chờ từng con nước thủy triều về để thu hoạch rươi. Các đầm được nông dân cải tạo đất tơi xốp, chờ con nước tháng 9 lên, tháo ra để rươi nổi lên mà vớt.
Năm nay, huyện Tiên Lãng có khoảng 400 ha diện tích được bà con nông dân đầu tư cải tạo đất để lấy rươi. Bà Phạm Thị Lan, cán bộ phòng nông nghiệp huyện Tiên Lãng chia sẻ: Hầu hết các xã trên địa bàn đều có nguồn nước lợ ven các sông Thái Bình, sông Văn Úc và đều có rươi. Sau khi thuê được đất của xã, các hộ đào sâu xuống đất khoảng 40-50 cm để thăm dò. Xác định khu vực nào có rươi bà con sẽ cải tạo khu vực đó thành đầm với các điều kiện thuận lợi để rươi xuất hiện.
Ông Hoàng Văn Lưỡng ở xã Tiên Minh (Tiên Lãng) cho biết: Gia đình ông có khoảng 7 ha đầm cải tạo môi trường sạch chỉ để lấy rươi. Đợt tháng 9 vừa qua, gia đình tôi thu hoạch tính ra cũng được khoảng 20 -25 kg rươi/sào. Nếu cứ thuận lợi về thủy triều thì ước tính cả mùa rươi năm nay gia đình tôi cũng thu hoạch khoảng 3 tấn rươi thương phẩm. Với giá bán rươi đổ buôn trung bình từ 380- 450 nghìn đồng/1kg, năm nay gia đình tôi cầm chắc thu nhập hơn 1 tỷ đồng/vụ rươi.”- ông Lưỡng phấn khởi nói.
Dọn sạch ruộng đón rươi-làm chơi mà ăn thật
Để có môi trường sạch cho rươi phát triển, những chủ đầm ở huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy chỉ cần cấy lúa một vụ, cho lúa phát triển tự nhiên và tuyệt đối không dùng bất cứ một loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nào. Sau đó, cải tại đất cho tơi xốp, đắp đập, be bờ, đào hệ thống mương dẫn nước từ sông vào đầm, xây cống điều tiết nước ra vào theo chế độ thủy triều. Điều kỳ lạ là chủ đầm cải tạo đất càng sạch, càng xốp thì "rồng đất"-con rươi càng nhiều, càng to, càng ngon...
Ông Phạm Văn Nhiêu-chủ một đầm rươi có nhiều năm gắn bó với con đặc sản này cũng chia sẻ: Theo quy luật, rươi chỉ xuất hiện nhiều vào con nước từ đầu tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Một năm có 3 vụ rươi, mỗi tháng cho thu hoạch 2-3 lần, mỗi lần từ 2-3 ngày. Nước lên đến đâu, rươi nổi lên đến đấy, nước rút ra sông thì rươi cũng theo ra sông nhưng bị bắt lại khi đi qua cái săm lưới. Khi vào chính con nước, rươi vừa nhiều vừa to con hơn. Rươi rất bị dập, vỡ. Chính vì vậy, nông dân vớt rươi lên rửa sạch cho vào khay xốp để quá trình vận chuyển rươi đi sẽ không bị dập, vỡ.
Trước những ngày có con nước, không khí tại các thôn, làng có rươi ở Hải Phòng rất tấp nập, phấn chấn. Các chủ đầm rươi và thương lái đã phải bàn thảo về ngày giờ bắt rươi, chốt giá cả mua bán…Cứ đến ngày con nước là các thương lái đã chủ động đến các đầmrươi chờ đợi chủ đầm thu hoạch. Bà con thu hoạch rươi đến đâu thương lái cân tại đầm đến đó. Năm nay, với trên 10 ha đầm của gia đình, ông Phạm Văn Nhiêu ước tính cũng cho thu hoạch 3 -4 tấn rươi với giá bán dao động từ 380 – 450 nghìn/ cân, thu về cả tỷ đồng.
Nhiều hộ có đầm rươi ở các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy (Hải Phòng) còn cho biết, đầm rươi khi mới cải tạo thì chỉ cho năng suất 3-5 kg rươi /sào nhưng đến vụ thứ 2 có thể đạt 10-12 kg/sào, từ vụ thứ 3 có thể lên đến 20 kg/sào. Như vậy, tùy theo diện tích, người dân có thể thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng một vụ rươi là chuyện bình thường.
Tại khu vực huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo của thành phố Hải Phòng năm nay ngoài việc bán rươi cho các lái thương truyền thống thì các “tổng đại lý” thu gom rươi còn thu gom rồi chở ra Móng Cái xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Tuy có thêm kênh tiêu thụ con rồng đất, nhưng giá cả trên thị trường vẫn ổn định như mọi năm.
“Với sản lượng trung bình có thể lên đến 250 tấn/năm, rươi không chỉ mang lại một nguồn lợi kinh tế lớn mà còn giúp bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái đồng ruộng ven các sông trên địa bàn. Từ lợi ích đó, UBND huyện chỉ đạo phòng nông nghiệp xây dựng phương án quản lý nghề nuôi rươi và hỗ trợ người dân trong việc phát triển ngành nghề này”- ông Trần Văn Khanh- Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) |