Lãnh đạo Bộ NNPTNT cho hay, Bộ mong muốn khi có một hành lang pháp lý (như nghị định) sẽ hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đi vào quy củ, tạo ra các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế...
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhiều gian nan. Ảnh: B.A
Thực tế, mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng vẫn là sản phẩm nông nghiệp tiêu chuẩn, sản xuất có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việt Nam vẫn đang xuất khẩu nông sản tiêu chuẩn ra thế giới, thu về hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Chẳng hạn như mặt hàng cá tra: Để được cấp giấy chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (BAP) xuất khẩu vào Mỹ, một vùng nuôi cá tra không giới hạn diện tích đăng ký phải bỏ ra chi phí 6.500 USD/lần cấp/vùng nuôi. Phí đánh giá lại hàng năm bằng phí cấp lần đầu. Đơn vị được cấp BAP còn phải trả thêm khoản phí 1,25 USD cho mỗi tấn cá, tôm.
Với giấy chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council – hội đồng quản lý nuôi trồng thuỷ sản châu Âu cấp), chi phí bỏ ra cho mỗi vùng nuôi còn lớn hơn do phải bỏ tiền để tham vấn cộng đồng, điều tra môi trường, an toàn sinh học vùng nuôi… Dù bỏ ra số tiền lớn, nhưng đổi lại, hàng hoá vào được thị trường châu Âu, Mỹ chấp nhận mua giá cao hơn.
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: Vấn đề ở đây là chúng ta còn yếu kém trong áp dụng công nghệ bảo quản, đó là chưa kể vấn đề giá, vận chuyển... Theo bà Hạnh: “Việt Nam cần làm tốt một nền nông nghiệp tiêu chuẩn trước khi nghĩ đến nông nghiệp hữu cơ”.