Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nếu không kiểm soát được lạm phát thì 5 dự án giao thông trọng điểm này rất có thể sẽ bị “vỡ trận”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ sự lo ngại về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm trong thời gian tới không chỉ gặp khó trong vấn đề giải phóng mặt bằng, mà còn gặp khó do yếu tố về giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tiền lương…
“Do đó, yếu tố cần thiết nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát. Nếu chúng ta không kiểm soát được lạm phát thì sẽ “vỡ trận” hết tất cả các kế hoạch”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Điều này đã từng xảy ra ở thời điểm năm 2008 và 2010. Khi lạm phát xảy ra cao đã dẫn đến năm 2011 buộc chúng ta phải dừng hết tất cả các dự án đầu tư bằng kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ.
Đó là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, các dự án đã buộc phải dừng lại. Cho nên, nếu chúng ta không rút ra bài học đó sớm, trong đó không dám giảm thuế, giảm phí đối với các chi phí đầu vào thì sẽ dẫn đến tình trạng mà đã từng xảy ra.
“Đây chính là điều tôi rất lo ngại, cho nên tôi đề nghị Chính phủ sớm quan tâm vấn đề này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ.
Vẫn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện nay tại sao lạm phát trên thế giới lại tăng cao, như Mỹ đạt đỉnh 8,5%, châu Âu là 8,1%, Anh là 9%. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 2,25%? Lý do theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, lạm phát bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính. Thứ nhất, cầu kéo. Thứ hai, chi phí đẩy.
Cầu kéo tức là do tổng cầu tăng nhanh từ chính sách nới lỏng tài khoá, chính sách tiền tệ. Việc các nước nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế, cho nên họ đã đưa lãi suất về 0%. Do đó, khi lạm phát xảy ra thì họ nâng lãi suất lên.
Nếu không kiểm soát được lạm phát thì tất cả các dự án giao thông trọng điểm có thể sẽ bị “vỡ trận”.
Còn Việt Nam không đưa lãi suất về 0%, lãi suất của chúng ta vẫn neo ở mức độ cao trên 4%. Cho nên, tại sao các nước tăng lãi suất còn Việt Nam không nên tăng, vì đã neo ở mức cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có nới lỏng tiền tệ.
Đối với chi phí đẩy, do cuộc xung đột Nga-Ukraine, do giãn cách xã hội… cho nên giá xăng dầu tăng lên. Từ đó, làm cho các nước bị tác động 2 yếu tố, đó là cầu kéo và chi phí đẩy.
Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ bị tác động từ chi phí đẩy, còn cầu kéo thì chưa bị kéo. Vì các gói hỗ trợ chưa triển khai, đang được bàn luận để thông qua. Nhưng thời gian tới, yếu tố cầu kéo sẽ tác động đến Việt Nam.
Như vậy, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, để kiểm soát lạm phát thời điểm này, Việt Nam phải kéo chi phí đẩy, chứ không phải giảm hay hãm cầu. Và muốn giảm chi phí đẩy thì phải giảm thuế, phí.
Ví dụ, tại một số bang của Mỹ, thượng nghĩ sĩ bang này đã thông qua một nghị quyết, đó là tạm thời ngưng thu thuế nhiên liệu trong thời gian trước mắt do xung đột Nga-Ukraine, khi nào khắc phục được tình trạng này thì sẽ thu trở lại.
Những giải pháp tình thế đó sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Còn lý do các nước tăng lãi suất là vì trước đây họ đã tung ra quá nhiều các gói kích thích kinh tế, nới lỏng chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế trong năm 2020, 2021. Cụ thể, các nước đã đưa lãi suất về 0% đến 0,25%. Do đó, đến thời điểm này buộc họ phải tăng.