Công ty chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 3/2022.
Trong tháng 2, hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều điều chỉnh trước khả năng Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn để kiềm chế lạm phát, thêm vào đó là căng thẳng Nga–Ukraine leo thang. Trong khi đó, dòng tiền tìm đến các tài sản phi rủi ro để trú ẩn, như vàng. Căng thẳng địa chính trị cũng thúc đẩy giá các loại hàng hóa (như than, dầu, khí tự nhiên, nhôm, lúa mì...) tăng đáng kể.
Trong bối cảnh đó, VN-Index tiếp tục giằng co trước ngưỡng 1.500 điểm – gần mức đỉnh cao lịch sử, tăng dưới 1% so với tháng trước đó. Mặc dù hầu hết các ngành đều tăng điểm trong tháng 2, Ngân hàng và Bất động sản giảm điểm mạnh đã tạo áp lực kéo điểm chỉ số. Đáng chú ý, ngành Nguyên vật liệu tăng giá đáng kể trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao như thép, phân bón và hóa chất, cao su.
Giá trị khớp lệnh bình quân tháng 2 giảm xuống dưới mức 25 nghìn tỷ đồng/ngày, thấp hơn 15% so với mức bình quân tháng trước đó. Mirae Asset cho rằng thị trường đang phản ánh tâm lý thận trọng hơn của nhà đầu tư trước các rủi ro bên ngoài đang gia tăng. Điểm tích cực là thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện đáng kể trong tuần cuối của tháng 2. Theo thước đo thanh khoản của nhóm phân tích, Dầu khí, Bán lẻ, Dịch vụ tiêu dùng, May mặc và trang sức, Vận tải đang thu hút dòng tiền tốt.
Cá nhân trong nước vẫn tiếp tục mua ròng (2,2 nghìn tỷ đồng), cân bằng lại lượng bán ròng của tổ chức trong nước bán ròng (1,9 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, khối ngoại bán ròng không đáng kể với giá trị 338 tỷ đồng (23 triệu USD). Về các ETF, dòng vốn ETF rút ròng gần 11 triệu USD, chủ yếu đến từ DCVFMVN30 ETF (35 triệu USD).
Đánh giá triển vọng năm 2022, Mirae Asset cho rằng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ thuận lợi hơn trong bối cảnh vĩ mô phục hồi, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách tài khoá và tiền tệ.
Động lực tăng trưởng của thị trường là chương trình hồi phục kinh tế giai đoạn 2022−2023 có quy mô khoảng 4% GDP, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kích cầu tiêu dùng, và đầu tư. Ngoài ra, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng phục hồi mạnh từ mức nền thấp; tăng trưởng tín dụng khoảng 13% trong năm 2022, với mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp. Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, nhu cầu bên ngoài hồi phục.
Tuy nhiên, Mirae Asset cũng lưu ý nhiều rủi ro có thể gây áp lực lên thị trường trong thời gian tới.
Rủi ro lớn nhất hiện tại là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, trong trường hợp bắt buộc phải tái thực hiện giãn cách xã hội, là rủi ro lớn nhất đối với dự phóng. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng mức độ thích ứng với chính sách "sống chung với dịch" sẽ gia tăng nhờ độ phủ vắc xin cao, cũng như việc Chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi tăng cường cho người dân giúp giảm tỷ lệ tử vong.
Các rủi ro bên ngoài có thể sẽ có tác động đến quá trình phục hồi trong nước do Việt Nam có độ mở kinh tế khá cao. Căng thẳng địa chính trị leo thang khiến giá của nhiều loại hàng hóa tăng cao (như dầu, khí tự nhiên, than, nhôm,...) sẽ tạo áp lực tăng lạm phát, là gánh nặng lớn trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới – vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Lạm phát cao sẽ làm giảm sức mua thực tế của người dân, đặc biệt là khu vực Châu Âu (có sự phụ thuộc tương đối về nhập khẩu dầu khí từ Nga).
Rủi ro nữa là tăng lãi suất nhanh hơn kỳ vọng. Về mặt chính sách tiền tệ, trong nước, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp giúp cho Việt Nam có thể duy trì mặt bằng lãi suất chính sách trong năm nay để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến sẽ tạo áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương Châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng. Thêm vào đó, áp lực tăng lạm phát trong nước do đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, cũng như áp lực nhập khẩu lạm phát do giá cả các loại hàng hóa trên thế giới tăng cao, có thể khiến Việt Nam tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng.
Rủi ro thứ tư là nợ cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở thành nợ xấu. Theo ước tính, nợ cơ cấu đến cuối năm 2021 tương đương 5,9% dư nợ tín dụng hệ thống, tăng đáng kể so với mức 3,9% vào cuối năm 2020.
Do không thay đổi dự phóng EPS năm 2022, Mirae Asset giữ nguyên mức kỳ vọng VN-Index sẽ có thể chinh phục ngưỡng 1.700 điểm (tương ứng với mức P/E hợp lý khoảng 16 lần) trong năm nay. Với mức tăng trưởng EPS kỳ vọng năm 2022 gần 21%, mức P/E kỳ vọng cuối năm 2022 khoảng 14 lần, tương đối hấp dẫn so với một số nước khác trong khu vực. Hơn nữa, mức ROE hiện tại của Việt Nam (15,6%) đang cao hơn nhiều nước trong khu vực, và có thể tiếp tục cải thiện nhờ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022.