Sau đợt sụt giảm mạnh trong quý 2 vừa qua do mối lo lạm phát, căng thẳng ở Ukraine và việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, bước sang tháng 7 thị trường chứng khoán toàn cầu đang dần ổn định hơn. Nhiều thị trường đã phục hồi trong tuần vừa qua khi giá dầu cũng như giá các hàng hóa thế giới đang có tín hiệu hạ nhiệt, giá dầu cũng chỉ còn quanh ngưỡng 100 USD/thùng.
Trước những tín hiệu tích cực trên, giới phân tích lạc quan với kịch bản lạm phát đang có dấu hiệu tạo đỉnh, điều này cũng đồng nghĩa với việc Fed có thể sẽ nhẹ tay hơn trong việc tăng lãi suất. Với kỳ vọng "Đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán", câu hỏi VN-Index đã thực sự tạo đáy có lẽ là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm.
Thị trường đã tạo đáy?
Để trả lời cho câu hỏi này, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng cần xem xét trên nhiều bình diện. Về bối cảnh thị trường thế giới, sau khi giảm sâu cũng đã có những nỗ lực phục hồi nhất định, song đà phục hồi này vẫn chưa thực sự thuyết phục.
Hiện tại, tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu là câu chuyện lạm phát và suy thoái. Diễn biến mối quan hệ các loại tài sản toàn cầu cũng đang trong giai đoạn chuyển giao từ nỗi lo lạm phát sang nỗi lo suy thoái. Theo đó, trong nửa cuối năm 2022, câu chuyện suy thoái sẽ là tâm điểm khi câu chuyện lạm phát đang có dấu hiệu dần hạ nhiệt.
Với nhiều ý kiến bình luận "Đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán", ông Huy cho rằng nhận định như vậy có phần chưa toàn diện vì ngoài rủi ro lạm phát, thị trường còn nhiếu yếu tố khác tác động. Mối quan hệ giữa thị trường trái phiếu – cổ phiếu – hàng hóa là mối quan hệ động và thay đổi tùy theo bối cảnh kinh tế.
Thực tế cho thấy, những thời điểm nền kinh tế rơi vào suy thoái, giá cả hàng hóa tạo đỉnh và cùng rơi với thị trường cổ phiếu như thời điểm đầu những năm 2000, khủng hoảng 2007-2008 hay đầu dịch Covid năm 2020. Do đó việc khẳng định lạm phát nói chung hay giá hàng hóa nói riêng tạo đỉnh thì chứng khoán tạo đáy, không phải trong bối cảnh nào cũng đúng và cần theo dõi cẩn trọng.
Nhận định về bối cảnh chứng khoán Việt Nam, ông Huy đánh giá chưa đủ căn cứ đáng tin cậy nào cho thấy thị trường đã tạo đáy. Mặc dù, hiện có 2 quan điểm cho rằng việc thị trường tạo đáy đó là sự phục hồi của chứng khoán thế giới – Việt Nam tương quan cao trong thời gian qua và cũng sẽ phục hồi và các tín hiệu phân kỳ theo phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng mức độ tin cậy của hai dấu hiệu này vẫn khá thấp.
Thứ nhất, sự phục hồi của chứng khoán thế giới & mối tương quan cao với thị trường Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp hồi nhất định tương tự như tạo đáy hồi tháng 07/2018. Tuy nhiên, chuyên gia HSC cho rằng bối cảnh thị trường thế giới lúc đó rất khác hiện tại dựa trên một số yếu tố sau:
(1) Thị trường chứng khoán Mỹ đầu năm 2018 điều chỉnh ít hơn hiện tại rất nhiều và hiện cũng chưa có dấu hiệu đảo chiều rõ ràng của chứng khoán Mỹ.
(2) Đó là giai đoạn nền kinh tế Mỹ tốt nhất trong khoảng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Fed hoàn toàn chủ động trong việc nâng lãi suất
(3) Thị trường Mỹ tạo đáy ngắn hạn từ tháng 4 và phục hồi cho đến tháng 10 để trở lại đỉnh cũ. Sau đó có thêm đợt giảm cuối năm, nhưng cũng vượt đỉnh vào năm 2019.
(4) Trong giai đoạn đó có hiệu ứng tiền đổ về Mỹ để phòng tránh rủi ro. Thị trường mới nổi và cận biên (trong đó có Việt Nam) yếu hơn rất nhiều so với thị trường Mỹ.
Thứ hai, dựa trên tín hiệu phân kỳ theo phân tích kỹ thuật. Nhiều nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật cũng đang kỳ vọng vào tín hiệu phân kỳ, tuy nhiên tín hiệu phân kỳ khi thị trường sụt giảm mạnh cần xem xét cẩn trọng. Bởi thị trường tạo tín hiệu phân kỳ là đương nhiên, vì gia tốc rơi phải chậm lại sau khi đã giảm quá nhanh và mạnh từ đỉnh, điểm số hiện tại cũng đã thấp hơn nhiều so với ở vùng đỉnh. Mặt khác, tín hiệu phân kỳ không có nghĩa là giá sẽ đảo chiều đi lên. Do đó, cần sự xác nhận hơn nữa trên chính đồ thị giá, trong đó thanh khoản cũng là tín hiệu xác nhận quan trọng.
Cần xác định chiến lược phù hợp
Trong khi thị trường chưa có quá nhiều sự thay đổi, cộng thêm dòng tiền yếu và có sự xoay chuyển khá nhanh, nhà đầu tư muốn tham gia giao dịch ngắn hạn cần sự linh hoạt cao. Đặc biệt, nhà đầu tư cần lưu ý tâm lý thị trường không còn vững như trong xu hướng tăng dài hạn để kỳ vọng sóng bền.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần thay đổi tư duy giao dịch, trước kia cách giao dịch theo xu hướng, các phiên bứt phá mang lại lợi nhuận rất tốt, tuy nhiên hiện tại, sóng ngành/nhóm cổ phiếu thay đổi rất nhanh, nhà đầu tư duy trì thói quen giao dịch cũ rất dễ mua phải vị thế trên đỉnh sóng hồi.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, ông Huy cho rằng nên áp dụng chiến lược mua các cổ phiếu tốt ở trạng thái quá bán hơn là giao dịch theo đà tăng, mua ở các điểm bứt phá thì sẽ rất dễ đu đỉnh sóng hồi. Do đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn mua các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong quý 2 nếu cổ phiếu bị chiết khấu sâu, giảm mạnh về vùng hỗ trợ và vùng "quá bán".
Nhận định về cơ hội đầu tư, vị chuyên gia cho rằng cơ hội vẫn còn khi mùa KQKD quý 2 vẫn tích cực với lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng tốt, song có thể ít có sự đột biến do nền 2/2021 vẫn khá cao. Một số nhóm ngành có thể bứt phá về lợi nhuận như Phân bón, Hóa chất, Dầu khí, Thủy sản, Khai khoáng,…
Tuy vậy, cần lưu ý một số ngành như Hóa chất, Phân bón… lợi nhuận có thể đã đạt đỉnh trong quý 2 vì giá nhiều hàng hóa đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý "đánh sóng" KQKD quý 2 cũng cần vào nhanh – ra nhanh với các nhóm này.