Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), theo dõi giá các mặt hàng lương thực được được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đạt trung bình 134,4 điểm trong tháng 11/2021 so với mức 132,8 của tháng 10 (dữ liệu tháng 10 đã được điều chỉnh). Chỉ số của tháng 10 ban đầu là 133,2.
Như vậy, chỉ số giá thực phẩm tháng 11 mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2011. Trong năm 2021, chỉ số này đã tăng 27,3%.
Giá hàng hóa nông nghiệp đã tăng mạnh trong năm qua, do mùa màng thất bát và nhu cầu tăng mạnh.
Chỉ số giá thực phẩm của FAO.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 11 đã tăng 3,1% so với tháng trước và cao hơn 23,2% so với cùng tháng năm trước, với giá lúa mì chạm mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2011.
FAO cho biết giá lúa mì tăng mạnh là bởi lo ngại về những trận mưa trái mùa ở Australia và sự không chắc chắn về những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách xuất khẩu ở Nga.
Chỉ số giá sữa có mức tăng hàng tháng lớn nhất, tăng 3,4% so với tháng trước. "Hiện tượng nhu cầu nhập khẩu mạnh trên toàn cầu đối với bơ và bột sữa vẫn tiếp diễn do người mua tìm cách đảm bảo nguồn cung sữa và sản phẩm sữa giao ngay với dự đoán thị trường thắt chặt", FAO cho biết.
Giá đường toàn cầu tăng 1,4% trong tháng 11 và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. FAO cho biết: "Sự gia tăng (giá đường) chủ yếu là do giá ethanol tăng". Trong thời gian qua, giá đường đã tăng mạnh do lo ngại về thời tiết mùa màng bất lợi ở nhà xuất khẩu hàng đầu Brazil, mặc dù triển vọng nhu cầu nhập khẩu sẽ chậm lại và khả năng xuất khẩu ở Ấn Độ và Thái Lan sẽ diễn ra thuận lợi.
Cũng theo FAO, riêng chỉ số giá thịt giảm tháng thứ 4 liên tiếp, với mức giảm trong tháng 11 là 0,9%, trong khi giá dầu thực vật thế giới giảm 0,3% so với tháng 10, nhưng giá dầu cọ quốc tế vẫn ổn định.
Trong tháng 10, chỉ số giá dầu thực vật tăng 1,7%, và tới nay vẫn cao hơn khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước do giá dầu cọ năm nay tăng và nhu cầu nhập khẩu mạnh bởi lo ngại về tình trạng thiếu lao động ở Malaysia. Giá dầu cọ trong tháng 10 đã đạt kỷ lục cao trong lịch sử cũng bởi giá dầu thô khi đó tăng mạnh kéo những loại dầu thực vật được sử dụng làm nhiên liệu sinh học tăng theo.
Về dữ liệu cho tháng 11, FAO đã hạ dự báo về sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2021 xuống 2,791 tỷ tấn, từ mức 2,793 tỷ tấn ước tính một tháng trước đây. Tuy nhiên, sản lượng ngũ cốc thế giới dự kiến vẫn sẽ đạt mức kỷ lục.
Giá lúa mì năm nay tăng mạnh, hiện vẫn đang tiếp tục xu hướng đi lên dù đang ở mức cao nhất trong vòng gần một thập kỷ trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp trên toàn cầu và chính phủ Nga tiếp tục tăng mức thuế xuất khẩu lúa mì.
FAO cho biết: "Việc giảm dự báo về sản lượng ngũ cốc so với đánh giá tháng trước chủ yếu là kết quả của việc dự đoán sản lượng ngũ cốc thô trên toàn cầu sẽ giảm nhẹ, phản ánh dự báo giảm sản lượng lúa mạch và cao lương".
Tiêu thụ ngũ cốc trên toàn cầu trong năm 2021/22 được FAO dự báo sẽ tăng 1,7% so với năm 2020/21, đạt 2,810 tỷ tấn, và dự trữ cuối năm 2022 sẽ ở mức 822 triệu tấn.
Tham khảo: FAO