Lạm phát tại cổng nhà máy của Trung Quốc trong tháng 9 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 26 năm. Nguyên nhân thúc đẩy là do khủng hoảng năng lượng trên toàn quốc và giá than tăng chóng mặt. Lạm phát tiêu dùng vẫn không thay đổi.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) ngày 14/10 cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 10,7% so với năm 2020, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 11 năm 1995. Con số này cao hơn mức tăng 9,5% trong tháng 8 và vượt ước tính trung bình 10,5% trong cuộc khảo sát các nhà kinh tế của Bloomberg.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 đã tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 0,8% so với tháng trước đó. Các nhà kinh tế dự đoán tỷ giá này sẽ không thay đổi.
Giá than tăng kết hợp với các mục tiêu chính sách cắt giảm tiêu thụ năng lượng đã dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. Hệ quả là quốc gia này phải phân bổ năng lượng và các nhà máy trên hơn 20 tỉnh phải tạm dừng sản xuất trong tháng 9. Giá mặt hàng khác như dầu thô cũng tiếp tục leo thang. Chỉ số hàng hóa Bloomberg (Bloomberg Commodity Index) tăng 5% trong tháng.
Dong Lijuan, chuyên gia thống kê ở cục, cho biết: "Giá của các mặt hàng công nghiệp trong tháng 9 tiếp tục tăng, do các yếu tố bao gồm giá than và một số sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng tăng vọt".
NBS cho biết một số hoạt động sản xuất trong các ngành như luyện kim, xi măng, hóa chất, đã bị hạn chế, đẩy giá trong tháng lên cao.
Lạm phát cổng nhà máy Trung Quốc tăng cao nhất trong 26 năm.
Áp lực lạm phát có thể sẽ còn kéo dài do tình hình mưa lũ nghiêm trọng ở tỉnh Sơn Tây, khu vực sản xuất than trọng yếu của Trung Quốc. Hàng trăm mỏ than phải ngừng sản xuất, đẩy giá than lên mức kỷ lục vào đầu tuần. Để hạn chế nhu cầu năng lượng và tăng nguồn cung từ việc tạo lợi nhuận cho các nhà sản xuất điện, Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép giá điện tăng hơn nữa.
Một quan chức của cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu hôm thứ Ba cho biết, tác động sẽ được hạn chế. Dù vậy, theo ước tính của Nomura Holdings Inc., điều này có thể đẩy lạm phát tiêu dùng lên 0,4% vào quý 3 năm 2022.
Lạm phát tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát khi giá thịt lợn giảm, mặc dù các biệp pháp kiểm soát Covid-19 cuối tháng 9 được loại bỏ gần hết đã có thể thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình.
Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy các nhà sản xuất đang bắt đầu đẩy chi phí cao sang người tiêu dùng. Nhà sản xuất nước tương lớn nhất Trung Quốc cho biết, trong tuần này họ có kế hoạch tăng giá bán lẻ các sản phẩm của mình. Theo China Securities Journal, ít nhất 13 công ty niêm yết trên thị trường cổ phiếu Trung Quốc loại A thông báo tăng giá trong năm nay để giải quyết chi phí tăng và nguồn cung thắt chặt.
Khoảng cách giữa lạm phát sản xuất và tiêu dùng tăng từ mức 8,7% trong tháng 8 lên 10% trong tháng 9, mức rộng nhất kể từ năm 1993.
Lạm phát tăng cao, cùng với nền kinh tế suy yếu đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng lạm phát kèm suy thoái ở Trung Quốc và tạo ra nhiều bất ổn hơn về triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều nhà kinh tế vẫn hy vọng NHTW sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng giúp thúc đẩy thanh khoản trong nền kinh tế.
Tham khảo Bloomberg