Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang vùi dập nền kinh tế Iran với lệnh cấm các công ty phương Tây đầu tư vào Iran, khiến sản lượng dầu sụt giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ qua và dẫn đến khan hiếm ngoại hối. Lạm phát đã tăng lên hơn 50%, một số thực phẩm và thuốc đang cạn kiệt.
Thay vì oằn mình trước áp lực của Mỹ trong việc thay đổi chính sách đối ngoại, rút lui khỏi khu vực và đàm phán lại hiệp ước hạt nhân năm 2015 bị Tổng thống Donald Trump huỷ bỏ, Iran đang nỗ lực để chống lại các lệnh trừng phạt bằng cải cách hệ thống tiền tệ.
1. Tại sao Iran thực hiện thay đổi hệ thống tiền tệ?
Đồng Rial đã chịu áp lực nghiêm trọng từ việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt và doanh thu dầu sụt giảm sau đó. Iran từ lâu đã kiểm soát chặt chẽ tiền tệ của mình và miễn cưỡng để nó mất giá, duy trì tỷ giá hối đoái chính thức ở mức 42.000 Rial đổi 1 USD kể từ giữa năm 2018. Khi nguồn cung ngoại hối trong hệ thống ngân hàng cạn kiệt, người Iran chuyển sang thị trường chợ đen không được kiểm soát để thanh toán mọi thứ từ ô tô nhập khẩu đến học phí du học.
Từ đầu năm 2019 đến đầu tháng 5, đồng Rial đã giảm gần 30% xuống còn 156.500 Rial đổi 1 USD khiến giá cả tăng vọt và dẫn đến bất ổn xã hội.
2. Iran đã làm gì?
Về cơ bản, Iran tạo ra một hệ thống nhiều tỷ giá hối đoái, nhằm chế ngự thị trường chợ đen. Iran đã ra mắt Nima - nền tảng giao dịch tiền tệ cho các doanh nghiệp địa phương vào năm ngoái. Nhưng hầu hết các nhà xuất khẩu đều thích bán Euro hoặc USD của họ trên thị trường không được kiểm soát, vì đồng Rial của tỷ giá Nima quá gần với tỷ giá chính thức, và do đó được coi là bị định giá quá cao.
Trong những tháng gần đây, ngân hàng trung ương đã cho phép tỷ giá Nima suy yếu đáng kể để khuyến khích nhiều công ty bán ngoại hối hơn. Chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani cũng đã tuyên bố rằng Rial sẽ được thiết lập lại bằng cách bỏ đi bốn con số 0.
3. Ảnh hưởng của kế hoạch này ra sao?
Kế hoạch đã thành công trong việc củng cố giá trị của đồng Rial trên thị trường chợ đen. Kể từ tháng Năm, đồng Rial đã tăng giá hơn 30% lên 118.000, tương đương với tỷ giá Nima, mặc dù căng thẳng trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ và chiếm giữ các tàu trong hoặc gần Eo biển Hormuz.
Theo ông Steve H. Hanke, giáo sư kinh tế học ứng dụng Đại học Johns Hopkins tại Baltimore, điều này đã giúp tỷ lệ lạm phát hàng năm (đạt mức cao nhất 400% vào năm ngoái) giảm xuống còn 24% vào đầu tháng 8.
4. Thay đổi này sẽ hiệu quả trong thời gian dài?
Theo Charles Robertson - nhà kinh tế trưởng của Renaissance Capital, việc tái phân bổ này có thể có tác động tâm lý, dù chỉ là thứ yếu, nếu người Iran nhận thấy đồng tiền trị giá 12 đổi 1 USD là một kho lưu trữ giá trị tốt hơn một 1 đồng tiền trị giá 120.000 đổi 1 USD. Nhưng Iran sẽ đấu tranh để giữ ổn định cho thị trường ngoại hối, miễn là tiếp cận đủ số lượng ngoại hối để cung cấp. Và điều này không thay đổi cho đến khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng và xuất khẩu năng lượng tăng.
5. Tại sao Iran không thả nổi đồng Rial?
Các quan chức Iran lo ngại rằng nếu tỷ giá được định giá hoàn toàn bởi các lực đẩy thị trường, khiến lạm phát tăng tốc trở lại. Điều này cũng nhạy cảm về mặt chính trị. Phần lớn các cơ quan, tổ chức nhận thấy sự suy yếu tiền tệ là dấu hiệu giảm dần sức mạnh quốc gia và không thể đứng vững tại Mỹ.
Ngoài ra, hệ thống phân bổ ngoại hối của ngân hàng trung ương theo tỷ giá chính thức là không rõ ràng. Điều này sẽ tạo điều kiện tham nhũng, với những người có vây cánh chính trị nhận được tiền USD giá rẻ trong khi hầu hết các yêu cầu kinh doanh hợp pháp đều bị từ chối.