Báo cáo hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam được NielsenIQ Việt Nam công bố vào tháng 6/2024 cho thấy, trung bình mỗi người Việt mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, đồng thời dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua hàng online. Con số cao gần gấp đôi tần suất đi siêu thị hàng tháng, đồng thời cho thấy mảnh đất kinh doanh màu mỡ trên các nền tảng TMĐT trong thời điểm mùa mua sắm cuối năm cận kề.
Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử (Metric), trong quý II/2024, ước tính doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam, bao gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo đạt khoảng 85.000 tỷ đồng với trên 900 triệu sản phẩm được bán ra.
Như vậy, có thể thấy thương nhân trên các sàn TMĐT sẽ được chứng kiến một mùa mua sắm cuối năm rực rỡ nếu biết nắm chắc cơ hội trong thời đại kỹ thuật số bùng nổ. Nhà bán hàng cần thông báo chương trình giảm giá đến tệp khách tiềm năng càng sớm càng tốt, nhất là trong các dịp Mega Sale ngày 9/9, 10/10, 11/11 hay 12/12 sắp tới. Khách hàng sẽ dễ tính toán chi phí và chọn mua đa dạng các sản phẩm hơn nếu biết trước chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Chẳng hạn, với trường hợp Lazada, bên cạnh các dịch vụ nội sàn như LSS (Lazada Sponsored Solutions), nhà bán hàng thể áp dụng đa phương thức gồm: quảng cáo, chạy SEO (Search Engine Optimization - tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) hay tham gia Flash Sale (ưu đãi chớp nhoáng với lượng deal giới hạn trong khung giờ nhất định).
Để đạt hiệu quả hơn, người bán cũng cần chủ động chạy quảng cáo ngoại sàn trên mạng xã hội hay truyền thông trong hội nhóm Zalo, Facebook. Khi sản phẩm bùng nổ và xuất hiện liên tục trên nhiều nền tảng, khách sẽ có thêm động lực tìm hiểu thông tin và chốt đơn.
Đối với các nhà bán hàng mới, điều tối quan trọng là phải tìm hiểu sàn đối thủ, so sánh tỷ lệ từng nhóm hàng đang được tìm kiếm và tìm hiểu các thương hiệu cạnh tranh trực tiếp đang bán gì. Họ có thể nghiên cứu lỗ hổng, sản phẩm đối thủ chưa làm tốt hay giá bán chưa ổn để đẩy mạnh tỷ lệ đặt đơn trên gian hàng của mình.
Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức. Bài toán thu hút khách hàng và tăng trưởng doanh số không dễ giải, đòi hỏi phía người bán phải có chiến lược cụ thể, phù hợp từng ngành hàng, thời điểm lẫn thị hiếu tiêu dùng.
Sharon Gai, cựu giám đốc tài khoản toàn cầu tại Alibaba và là tác giả của cuốn “Thương mại điện tử được tái hiện lại”, cho biết: “Các nhà bán lẻ trực tuyến khác đang chứng kiến sự nổi lên của hàng hóa Trung Quốc giá rẻ từ những hãng như Temu và Shein. Họ không biết liệu có thể cạnh tranh hay không”.
Trước tình hình thị trường như vậy, nhiều nhà bán lẻ đang tăng cường giảm giá, đặc biệt là hàng hóa dùng lâu bền, với hy vọng kích thích nhu cầu mua sắm. Thậm chí, các nền tảng liên tục tung ra các đợt giảm giá, dù không nhằm bất kỳ sự kiện nào.
Ba yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp doanh thu bao gồm lượt truy cập, tỷ lệ chuyển đổi và giá trị trung bình mỗi đơn hàng. Muốn tăng lượt truy cập, nhà bán hàng cần có ngân sách cố định cho quảng cáo và cố gắng tăng tỷ lệ đơn đặt hàng thành công.
Cần chuẩn bị bao nhiêu ngân sách cho quảng bá sản phẩm, marketing mỗi tháng là câu hỏi được nhiều nhà bán hàng quan tâm. Theo ông Nguyễn Anh Tú, giảng viên Học viện Lazada, ban đầu, người bán cần chi 15-20% ngân sách mỗi tháng để vào top ngành hàng bán chạy. Sau 3-6 tháng, ngân sách có thể giảm xuống 10%. Có thể cân nhắc thêm chi phí marketing ngoại sàn lẫn nội sàn để cải thiện doanh số.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Vào năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, song đến năm 2022 đã lên 16,4 tỷ USD và năm 2023 đạt tới 20,5 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đặc biệt, thương mại điện tử đã chiếm đến gần 70% tỷ trọng của nền kinh tế số.