Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các nhà kinh tế Hoa Kỳ coi lạm phát trong đại dịch là 'tạm thời', nhưng giờ họ đang cắt và chia nhỏ dữ liệu lạm phát theo cách mới, và gọi nó là: lạm phát siêu lõi.
Giá xăng là một yếu tố dễ khiến chỉ số CPI biến động. Ảnh CNN
Lạm phát siêu lõi xảy ra khi giá cả tăng lên trong lúc người lao động phải trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ cơ bản của họ. Hãy nghĩ đến các dịch vụ như cắt tóc, sửa điện hay làm vườn. Những mức giá đó thường ít biến động hơn so với thực phẩm và năng lượng nhưng khi nó thay đổi lại dễ ảnh hưởng đến xu hướng biến động giá cả trong nền kinh tế Hoa Kỳ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây cho biết các dịch vụ cốt lõi không bao gồm nhà ở "có thể là danh mục quan trọng nhất để hiểu được sự phát triển của lạm phát cơ bản trong tương lai".
Đó thực sự là một vấn đề khi giá của các dịch vụ siêu lõi luôn ở mức cao trong những năm gần đây.
Trong năm qua, một loạt các số liệu thống kê kinh tế khó hiểu khác đã trở thành những cái tên quen thuộc khi các gia đình Mỹ phải hứng chịu đợt lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm: CPI (Chỉ số giá tiêu dùng), PPI (Chỉ số giá sản xuất), PCE (Chi tiêu tiêu dùng cá nhân và ECI (Chỉ số chi phí việc làm).
Các báo cáo kinh tế đều cho thấy giá thực phẩm, nhiên liệu và nhà ở đã tăng nhanh hơn nhiều so với tiền lương trong hầu hết năm qua, do nhu cầu tiêu dùng khổng lồ cùng với những khó khăn trong chuỗi cung ứng và chiến tranh ở Ukraine.
CPI, chỉ số chính trong số các thước đo lạm phát hàng tháng, sẽ được công bố vào thứ Ba hôm nay. CPI tháng 1 ở Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống 6,2%, giảm so với mức 6,5% trong tháng 12 và thấp hơn nhiều so với mức cao nhất trong mùa hè là 9,1%. Lạm phát cơ bản được dự báo sẽ giảm xuống 5,5% từ mức 5,7% trong tháng 12.
Tổng hợp lại, hàng loạt dữ liệu lạm phát cho thấy giá cả vẫn ở mức cao một cách khó chịu, nhưng chúng lại đi rất đúng hướng.
Các nhà kinh tế của Nhà Trắng tuần trước đã nhấn mạnh trong một thống kê tăng trưởng tiền lương cho thấy lạm phát có thể không mạnh như Fed tin tưởng. Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, mức lương cơ bản đã giảm từ 8% xuống chỉ còn hơn 5% trong tháng 1.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody cho biết: “Lạm phát siêu lõi là 6,4% trên cơ sở hàng năm cho đến tháng 12 năm 2022, nhưng nó đang ở mức vừa phải”. Trong ba tháng tính đến tháng 12, lạm phát siêu lõi chỉ tăng 2,4% hàng năm và chỉ 0,9% hàng năm trong tháng 12.
Zandi cho biết, tăng trưởng tiền lương cũng đang ở mức vừa phải, một dấu hiệu tốt cho lạm phát siêu lõi trong tương lai.
Ông nói: "Fed tập trung vào supercore vì nó bao gồm những mức giá có nhiều khả năng bị chi phối bởi chi phí lao động, mà Fed có thể tác động trực tiếp hơn thông qua những thay đổi về lãi suất".
Zandi nói với CNN: “Lạm phát siêu lõi vẫn còn quá nóng, nhưng nó đã bắt đầu hạ nhiệt và tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra rằng lạm phát nói chung sẽ trở lại mức dễ chịu hơn trong 12-18 tháng tới”.
'Siêu lõi' không phải là thước đo hoàn hảo
Mặc dù hữu ích cho các nhà kinh tế khi đi sâu vào các yếu tố thúc đẩy lạm phát, nhưng có một nhược điểm thực tế khi loại bỏ các danh mục các chi phí dễ 'bay hơi' như nhà ở, thực phẩm và năng lượng: Đây là những chi phí không thể thiếu được đối với hầu hết các hộ gia đình.
Greg McBride, Giám đốc tài chính của Bankrate cho biết: “Áp lực giá lan tỏa đối với các loại chi tiêu thiết yếu gồm: chỗ ở, thực phẩm, điện, quần áo, bảo hiểm xe cộ, đồ đạc và hoạt động gia đình cho thấy vẫn còn thiếu sự cải thiện trên diện rộng khi nói về lạm phát".
Vì vậy, có nguy cơ gia tăng CPI trong tháng 1 ở Mỹ có thể gây thất vọng, McBride cảnh báo. Một số dự báo lạc quan của tháng 12, như việc giá xăng giảm, thực tế đã đảo ngược.
McBride cho biết: "Chỉ số CPI có khả năng nhấn mạnh cảm giác rằng áp lực lạm phát sẽ không giảm xuống một cách dễ dàng hoặc đi ngang, ít nhất trong thời gian tới".
(Theo CNN)