Chủ tịch ECB Christine Lagarde hôm 9-6 cho biết mức tăng sẽ là 0,25 điểm phần trăm vào tháng 7. Mức này phù hợp với những gì mà hầu hết các nhà phân tích đã mong đợi.
Dự kiến, một đợt tăng nữa sẽ diễn ra vào tháng 9/2022. Đợt tăng này có thể lớn hơn 0,25 điểm phần trăm nếu lạm phát "vẫn tiếp diễn hoặc xấu đi".
Thông báo trên đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2011 và khép lại một chương dài của chính sách tiền tệ nới lỏng.
"Lạm phát cao là một thách thức lớn đối với tất cả chúng ta" - bà Lagarde nói sau cuộc họp của Hội đồng quản trị ở Hà Lan - "Dựa trên đánh giá hiện tại, chúng tôi dự đoán rằng việc tăng lãi suất dần dần nhưng bền vững sẽ là phù hợp".
Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Ảnh: Reuters
Trong nhiều tháng, bà Lagarde đã sử dụng từ "tạm thời" để mô tả lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, các dự báo kinh tế đã bị đảo lộn và xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2, theo Euro News.
Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng mới, góp phần khiến lạm phạt tăng phi mã. Thực tế, lạm phát ở khu vực Eurozone đã đạt mức kỷ lục 8,1% vào tháng 5, gấp bốn lần mục tiêu 2% hàng năm mà ECB đặt ra.
Người tiêu dùng và các công ty hiện đang phải đối mặt với giá cả không thể đoán trước. Điều đó khiến các nhà hoạch định chính sách chịu áp lực phải đưa ra các giải pháp hữu hình, ngay cả khi họ khó có thể làm được nhiều điều trong ngắn hạn.
Lạm phát đang ám ảnh các nền kinh tế phát triển khác mà các ngân hàng của họ đã báo hiệu ý định tăng lãi suất trước khi lạm phát tăng cao.
ECB dự kiến lạm phát sẽ vẫn ở mức cao "không thể tránh khỏi" trong vài năm tới: 6,8% vào năm 2022, 3,5% vào năm 2023 và 2,1% vào năm 2024.
"Xung đột Nga - Ukraine đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế khu vực Eurozone và triển vọng phục hồi nền kinh tế vẫn không chắc chắn" - bà Lagarde nhấn mạnh -"Nhưng các điều kiện được đưa ra để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phục hồi hơn nữa trong trung hạn".
Chủ tịch ECB cho rằng việc dỡ bỏ các hạn chế Covid-19, phục hồi thị trường lao động, hỗ trợ tài chính và khoản tiết kiệm của người dân trong thời kỳ đại dịch là những yếu tố có thể giúp cho nền kinh tế phát triển, dù với tốc độ khiêm tốn hơn so với dự kiến trước đây.
Các nhà máy lọc dầu đang “in tiền”
Các nhà máy lọc dầu đang kiếm được số tiền gần gấp 5 lần so với năm trước, theo Công ty dữ liệu OilX. “Các nhà máy lọc dầu đang kiếm được số tiền gần gấp 5 lần so với năm trước đó” - ông Neil Crosby, nhà phân tích cấp cao của công ty dữ liệu OilX, cho biết.
Do công suất lọc xăng và dầu diesel từ dầu thô không đủ đáp ứng, đã góp phần đẩy giá nhiên liệu lên mức kỷ lục. Điều này làm tăng lợi nhuận cho các chủ nhà máy lọc dầu.
Giá xăng đang ở mức cao nhất mọi thời đại mặc dù giá dầu vẫn ở dưới mức kỷ lục. Việc mất nguồn cung cấp từ Nga đã làm kéo dài một ngành công nghiệp vốn đã hoạt động hết công suất. Hôm 8-6 chứng kiến giá xăng tăng cao nhất trong 17 năm.
Một phần của sự gia tăng là do giá dầu thô cao, hiện trên 120 USD/thùng. Dầu thô tăng do lo ngại xung đột Ukraine khiến thị trường không thể tiếp cận được nguồn cung từ Nga. “Các nhà máy lọc dầu - những công ty biến dầu thô thành dầu diesel, xăng và các sản phẩm khác - cũng đang thấy lợi nhuận của họ tăng lên đáng kể” - chuyên gia Neil Crosby nhấn mạnh.