Bộ trưởng Tài chính nước này nói với các nhà đầu tư trong chuyến thăm tới London rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở rộng việc vận động thu hút người dân giữ tất cả các khoản tiết kiệm bằng đồng lira và chuyển vàng "nằm dưới nệm" của gia đình họ có trị giá hàng tỷ USD vào hệ thống ngân hàng.
Biến vàng thành tiền
Thuật ngữ "nằm dưới nệm" (under the mattress) nhằm ám chỉ người dân mua vàng và cất trữ tại nhà nhằm chống lại sự lạm phát hay để trú ẩn tài sản khi đồng tiền bị mất giá.
Trong tuần này, Nureddin Nebati, người đã thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Vương quốc Anh kể từ khi được bổ nhiệm vào cuối năm ngoái, nói rằng chính phủ hy vọng 10% trong số vàng ước tính trị giá 250 tỷ USD mà người Thổ Nhĩ Kỳ giữ trong nhà của họ sẽ được chuyển đổi thành đồng lira.
"Chúng tôi ước tính có 5.000 tấn vàng, tương đương 250-300 tỷ USD. Và số vàng này có thể hỗ trợ cho nhu cầu ngoại tệ của đất nước. Việc khuyến khích người dân chuyển vàng thành tiền là cách để hỗ trợ đồng lira khỏi việc mất giá", ông Nebati nói.
Nebati nói rằng 30.000 cửa hàng vàng sẽ đóng một vai trò trung tâm trong kế hoạch xây dựng trên một gói các biện pháp khẩn cấp rộng hơn được công bố vào tháng 12. Việc này nhằm ngăn chặn sự sụt giảm liên tục của đồng lira, vốn đã mất 44% giá trị so với đồng USD trong năm 2021.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ này tăng tốc trong những tháng gần đây và làm chao đảo nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn là do "chương trình kinh tế mới" của Tổng thống Erdogan tập trung vào xuất khẩu và tín dụng bất chấp sự sụp đổ của đồng lira và lạm phát tăng cao.
Chính phủ đã ký hợp đồng với 5 nhà máy tinh chế vàng để chuyển đổi đồ trang sức được bàn giao theo chương trình thành vàng thỏi để đóng góp vào dự trữ ngân hàng trung ương của đất nước, Nebati nói thêm.
Bộ Tài chính từ chối bình luận về kế hoạch này nhưng hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ trích dẫn Nebati nói rằng các biện pháp mới sẽ sớm được công bố để đưa "vàng vào hệ thống tài chính".
Là một món quà truyền thống được tặng nhân dịp đám cưới và những người mới sinh em bé, vàng từ lâu đã trở thành một cách ưa thích đối với những người Thổ Nhĩ Kỳ không tin tưởng hệ thống ngân hàng cũng như lịch sử lạm phát của đất nước họ. Họ cần bảo vệ sự giàu có của mình. Tuy nhiên, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là một phần của vấn đề rộng hơn là do hiện tượng đô la hóa (dollarisation). Việc người dân đổ xô vào ngoại tệ và kim loại quý là một nguồn áp lực dai dẳng đối với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ.
Liệu đây có phải là giải pháp hiệu quả dài lâu?
Mặc dù các kế hoạch tiền gửi mới đã đạt được một số thành công, các nhà phân tích vẫn hoài nghi liệu chúng sẽ cung cấp một giải pháp lâu dài hay không khi mà người dân vẫn không tin tưởng vào đồng lira. Thổ Nhĩ Kỳ có lãi suất thực âm gần 35% sau khi tính tỷ lệ lạm phát 48,7% trong tháng 1.
Một nhà đầu tư đã tham dự một trong các cuộc họp nhóm của Nebati cho biết sự ngờ vực lâu nay của người Thổ Nhĩ Kỳ đối với đồng lira sẽ khó có thể khắc phục được. "Có thể nếu họ trả một mức lãi suất thực sự tốt, họ có thể nhận được một số khoản lãi," ông nói. "Nhưng tôi nghi ngờ việc họ sẽ nhận được 250 tỷ USD."
Nebati đã nhận được một tín hiệu lạc quan trong một loạt các cuộc họp ở London nhằm giành lại các nhà đầu tư nước ngoài đã "bỏ rơi" cổ phiếu và trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây. Ông bảo vệ chính sách gây tranh cãi của tổng thống Recep Tayyip Erdogan là giữ lãi suất thấp hơn nhiều so với lạm phát, dự đoán rằng lạm phát sẽ giảm mạnh vào cuối năm nay.
Những người tham dự cuộc họp nói với Financial Times rằng Nebati tỏ ra tự tin hơn so với Berat Albayrak, cựu Bộ trưởng tài chính và là con rể của Erdogan, người có mối quan hệ thân thiết với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài.
"Người đàn ông này có lý lẽ. Ông ấy đã có sự chuẩn bị," Tim Ash, chiến lược gia thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management cho biết. "Thông điệp rất rõ ràng: vốn nước ngoài được chào đón. Hãy quên đi việc kiểm soát vốn, chúng tôi sẽ không làm điều đó. Điều đó thật đáng khích lệ."
Tuy nhiên, những người khác cảnh báo rằng nỗ lực của chính phủ để giữ đồng lira ổn định thông qua các công cụ quản lý vi mô như kế hoạch tiền gửi thay vì kinh tế học chính thống, cuối cùng sẽ phản tác dụng. "Yếu tố quyết định việc định giá tiền tệ là lãi suất," một người tham gia khác cho biết. "Việc loại bỏ các biện pháp hành chính là không thể. Có lẽ họ sẽ làm cho nó hiệu quả trong một năm nhưng sau đó nó sẽ nổ tung".
Đây là lần thứ hài cuộc khủng hoảng tiền tệ nổ ra kể từ năm 2018. Nó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiền tiết kiệm và thu nhập của người Thổ Nhĩ Kỳ. Sự biến động kỷ lục giá trị đồng Lira cũng đã tác động tiêu cực đến ngân sách của các hộ gia đình và doanh nghiệp, khiến họ phải điều chỉnh lại việc sử dụng ngân sách cho hiện tại và cả tương lai.
Tham khảo Financial Times