Lạm phát và lãi suất luôn được xem là "kẻ thù" của thị trường chứng khoán. Mối lo ngại về sự leo thang của lạm phát cùng những động thái tăng lãi suất mạnh của Fed trong thời gian tới khiến thị trường chứng khoán vẫn tiềm ẩn những rủi ro khó đoán.
Nêu góc nhìn về vĩ mô thế giới, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá cuộc khủng hoảng Ukraine đang gây ra áp lực lạm phát trên toàn cầu, đẩy giá cả tăng cao khi nguồn cung năng lượng bị đe dọa. Song song, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc một lần nữa đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng áp lực tăng giá và giảm sản lượng. Chính điều này khiến nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã chuyển hướng chính sách và bắt đầu tăng lãi suất, nhằm kiềm chế lạm phát đang gia tăng.
Nguồn: MBS
Tuy nền kinh tế thế giới đang có nhiều khó khăn, song ông Tuấn cho rằng suy thoái kinh tế thế giới rất khó xảy ra. Bởi bên cạnh các yếu tố địa chính trị, chúng ta cần đánh giá tính dài hạn của chính sách Zero Covid tại Trung Quốc. Theo đó, chính sách Zero Covid đang khiến quốc gia này gặp khó khăn và trong phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc mới đây cũng đưa ra những tín hiệu quốc gia này sẽ có những chính sách nới lỏng hơn để ưu tiên phát triển kinh tế.
"Về tình hình tăng lãi suất, tôi cho rằng Fed vẫn sẽ tiến hành các đợt tăng lãi suất như dự kiện, song sẽ có sự hài hoà để đưa ra mức tăng hợp lý. Lạm phát đạt đỉnh thì đó là đáy của chứng khoán. Để đánh giá lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa chúng ta có thể nhìn tình hình lạm phát tại Mỹ khi tháng 3 là 8,5% và hiện đang giảm nhẹ về mức 8,3%. Trong thời gian tới, nếu hàng hoá cơ bản vẫn duy trì ổn định thì có thể nói lạm phát đã đạt mức đỉnh", Kinh tế trưởng MBS đánh giá.
Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân MBS, chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed đã đi vào hồi kết và chúng ta đang ở giai đoạn từ siêu nới lỏng trở về chu kỳ bình thường. Lịch sử các lần kết thúc gói QE của Mỹ và điểm số S&P 500 đều ghi nhận giảm điểm. Bảng cân đối của Fed đi ngang ở mức cao nhất trong lịch sử, thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ánh điều đó.
Nguồn: MBS
Đồng thuận với quan điểm, lạm phát tạo đỉnh thì chứng khoán tạo đáy, ông Sơn đánh giá lạm phát đang có xu hướng tạo đỉnh và đi xuống. Tuy vậy, căng thẳng giữa Nga – Ukraine rất khó đoán định và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn có thể gây áp lực cho giá hàng hoá, đặc biệt giá dầu vẫn có thể neo ở mức cao. Ông Sơn cho rằng áp lực lạm phát sẽ có sự hạ nhiệt nhưng rất chậm. Do đó, thị trường chứng khoán vẫn còn gập ghềnh, song sẽ sớm tạo đáy và phục hồi đi lên.
Về vĩ mô Việt Nam, nếu nhìn một cách sâu sắc hơn có thể thấy môi trường kinh tế của Việt Nam tương đối hài hoà. Xu hướng phục hồi sau Covid 19 là rõ ràng và khả quan khi GDP quý 1/2022 là 5,03%. GDP dự kiến tăng trưởng 6%-6,5% năm 2022, lạm phát ở trên mức 4%. Điều này phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình phòng chống dịch Covid-19; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên trong bối cảnh "bức tranh" kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn sẽ phần nào tác động đến việc gia tăng giá hàng hóa gây áp lực lạm phát và làm giảm chi tiêu tiêu dùng.
Nguồn: MBS
Mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, xu hướng tạo đáy và không giảm tiếp. Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện giúp nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ở mặt bằng thấp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tuy nhiên lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm sau trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022 và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát dự kiến có khả năng cao trong 2022. Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, đặt trong bối cảnh năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, lạm phát của nước ta có thể nằm trong khoảng 4 – 4,5% trong năm 2022 và vượt qua ngưỡng 5% trong năm 2023.