Giá dầu thô thế giới tăng rồi lại giảm trong phiên ngày 21/2 tương ứng các diễn biến mới liên quan tình hình Ukraine.
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau ở mức 93,39 USD/thùng buổi chiều, giảm 15 cent (-0,2%), sau khi chạm mức 95 USD trước đó. Giá dầu thô WTI ở mức 91,14 USD/thùng, giảm so với mức cao trước đó là 92,93 USD/thùng.
Giới đầu tư lo sợ nếu xảy ra chiến sự tại Ukraine sẽ khiến Nga - một trong những nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới siết chặt nguồn cung. Tâm lý này đẩy giá dầu lên cao. Khi Nga và Mỹ có các động thái giảm căng thẳng (dù chỉ mới đồng ý về nguyên tắc), lo ngại chiến sự bùng nổ giảm bớt, kéo giá dầu đi xuống.
Tuy nhiên, về cơ bản, giới chuyên gia có chung nhận định rằng, giá dầu trong tương lai gần khó có thể “hạ nhiệt”.
Từ phía cung - cầu và biến động địa chính trị, giới phân tích nhận định, giá dầu có thể sớm vượt 100 USD/thùng. Bình quân cả năm, giá dầu khoảng 85-90 USD/thùng, tăng gần 20% so với mức trung bình năm ngoái.
Trong khi đó, giá xăng dầu bán lẻ tại thị trường trong nước cũng đã có nhiều phiên điều chỉnh tăng mạnh liên tiếp. Ngày 21/2 giá xăng dầu chính thức leo lên mức cao nhất 8 năm, mỗi lít xăng RON 95 đã vượt 26.000 đồng/lít.
Giá dầu thế giới tăng mạnh đang mang tới lo ngại về lạm phát tăng cao, áp lực lên chính sách tiền tệ toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam.
Trong báo cáo dự đoán giá dầu thế giới và tác động lên kinh tế Việt Nam mới đây của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), đơn vị này cho rằng, xu hướng tăng hiện tại của giá dầu được ủng hộ bởi yếu tố chính là dự báo nhu cầu nhiên liệu gia tăng theo đà hồi phục kinh tế thế giới.
Báo cáo đưa ra 2 kịch bản. Một là kịch bản kém tích cực, giá dầu duy trì ở vùng giá 80 USD/ thùng, lạm phát của Việt Nam có thể tăng tới 4,5%; Nếu nguy cơ Mỹ ban lệnh trừng phạt thành hiện thực thì giá dầu nhiều khả năng sẽ duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng, lạm phát có thể tăng lên 5,1%.
Kịch bản 2, tích cực hơn, lạm phát sẽ tăng từ 3-3,6%.
Trong trường hợp lạm phát tăng cao có thể gây áp lực lên việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN và tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng chi phí lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Đối với nền kinh tế nước ta, giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5% và làm chỉ số CPI tăng 0,36%.
So với cùng kỳ, giá xăng dầu trong nước đã tăng 50% trong vòng 1 năm trở lại đây. Như vậy, nhân tố giá dầu đã có thể làm tăng thêm khoảng 1,5% CPI ở thời điểm hiện tại so với tháng 2/2021.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng lo ngại chuyện tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, kéo theo tăng nhập siêu mặt hàng này, khiến thâm hụt thương mại mặt hàng xăng dầu gia tăng. Trong khi năm 2021, nhập siêu từ các sản phẩm xăng dầu đã tới 6,3 tỷ USD.
Theo đó, để giảm thiểu những tác động lớn từ giá dầu thế giới tăng mạnh, ông Lực khuyến cáo, cơ quan quản lý cần rà soát lại các loại thuế, phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, như thuế xuất nhập khẩu, VAT, tiêu thụ đặc biệt..., với tỷ trọng lớn trong cơ cấu tính giá, đây là nhân tố khiến giá bán lẻ ở mức cao.
"Lạm phát ở đây chủ yếu do vấn đề giá cả chứ không phải cung tiền, nên các bộ, ngành cần phối hợp kiểm soát tốt hơn giá xăng dầu. Chính sách tài khoá - tiền tệ cần phối hợp linh hoạt, để kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá nhiên liệu năng lượng gia tăng", ông Lực nói.