Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) vừa công bố BCTC kiểm toán hợp nhất của niên độ tài chính kết thúc ngày 30/9/2019 với mức lỗ tăng lên đáng kể so với báo cáo tự lập. Cụ thể, sau kiểm toán lỗ ròng thuộc về Công ty mẹ lỗ thêm 600 tỷ lên 1.075 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế tính đến 30/9/2019 là 1.489 tỷ đồng.
Chi tiết, tổng doanh thu cả năm sau kiểm toán ghi nhận tăng nhẹ lên 4.119 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn ghi nhận tăng tương ứng khiến lợi nhuận ròng còn 182 tỷ, trong khi báo cáo tự lập lãi gộp 263 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu phần lớn đến từ cá và sản phẩm liên quan với 98% tỷ trọng – tương đương 7.915 tỷ đồng, kế tiếp là thức ăn thuỷ sản với 2.525 tỷ; tôm và sản phẩm liên quan đóng góp gần 962 tỷ đồng. Mặc dù cá và sản phẩm liên quan đóng góp phần lớn doanh thu, tuy nhiên công nợ cũng khá lớn với gần 7.856 tỷ đồng.
Về chi phí, chi phí tài chính sau kiểm toán tăng từ 264,5 tỷ lên 318 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay hơn 296 tỷ, lỗ từ thoái vốn công ty con gần 11 tỷ và gần 10 tỷ hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư.
Song song, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng đáng kể, lần lượt vào mức 545 tỷ đồng (tăng gần 5 lần so với tự lập là 173 tỷ) và 981 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với tự lập là 295 tỷ đồng).
Khoản lỗ khác cũng tăng đột biến, từ 12,5 tỷ lên 95 tỷ đồng. Trong năm, Công ty đã tiến hành xoá sổ hàng tồn kho kém phẩm chất với giá trị chi phí ghi nhận hơn 73 tỷ, chi phí phạt gần 12 tỷ cùng các chi phí khấu hao và chi phí khác.
Kết quả, khoản lỗ ròng năm 2019 HVG hơn 1.075 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với mức lỗ 476 tỷ tại BCTC tự lập. Như vậy, tính đến ngày 30/9/2019, HVG lỗ luỹ kế 1.489 tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng vốn cổ phần hiện nay là 2.270 tỷ.
Tổng tài sản Công ty hiện vào mức 8.025 tỷ, gồm 5.753 tỷ tài sản ngắn hạn và 2.272 tỷ tài sản dài hạn. Đáng chú ý, khoản phải thu Công ty chiếm tỷ trọng tương đối lớn với 3.723 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng 1.044 tỷ), hàng tồn đạt 1.649 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hiện nợ phải thu quá hạn của HVG vẫn ở mức cao với 1.561 tỷ đồng, dự phòng gần 1.043 tỷ.
Tổng nợ là 7.109 tỷ, riêng nợ vay chiếm hơn phân nửa với 3.056 tỷ đồng. Công ty đang thế chấp các tài khoản tài ngân hàng cho khoản vay.
Với những khó khăn cùng khoản lỗ khá lớn trên, BCTC hợp nhất của HVG được lập trên cơ sở giả định Tập đoàn có thể sử dụng tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả trong quá trình HĐKD bình thường trong tương lai gần.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh khoản lỗ thuần hợp nhất năm 2019 hơn 1.075 tỷ, lỗ thuần công ty mẹ gần 1.489 tỷ; đồng thời tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.170 tỷ đồng. Ngoài ra, HVG còn có các khoản vay đến hạn chưa trả tại Ngân hàng. Điều này dẫn đến tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HVG.
Theo đó, khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh của HVG phụ thuộc vào khả năng HVG sắp xếp được dòng tiền kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai cũng như việc được tái cơ cấu khoản nợ vay ngân hàng.
Được biết, tại ngày lập báo cáo, ban lãnh đạo HVG đã lập kế hoạch lợi nhuận cũng như dòng tiền cho năm 2020, dự kiến có thể đáp ứng yêu cầu để tiếp tục hoạt động, HVG cũng đang trong quá trình xin sự phê duyệt của Ngân hàng cho việc gia hạn thời gian thanh toán khoản vay.
Trong bối cảnh trên, HVG vừa kêu gọi thành công sự hỗ trợ từ THACO, và hai bên đã tiến đến ký kết hợp tác chiến lược sau 2 tháng bàn bạc. THACO qua quá trình đánh giá đi đến quyết định không chỉ rót vốn vào HVG, mà sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, bán hàng, quản trị và đặc biệt là hỗ trợ tái cơ cấu tình hình tài chính hiện nay. Mục tiêu sang năm 2020, HVG sẽ đem về 550 triệu USD xuất khẩu.
Về phía HVG, dưới sự giúp sức từ THACO, Công ty đặt tham vọng tăng hơn 3 lần doanh thu, từ mức 4.000 tỷ lên 12.500 tỷ đồng. Riêng cá tra, dự kiến 2020 tổng xuất khẩu 100.000 tấn cá thành phẩm, doanh số 250.000.000 USD. Hướng đến các châu Mỹ (Mexico, Canada...), châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản...).
Báo cáo tài chínhNội dung hợp tác giữa THACO (thông qua công ty nông nghiệp THADI) và HVG như sau:
(1) THADI đầu tư vào HVG với tỷ lệ 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Tài chính, Chuyên gia kỹ thuật và hỗ trợ bán hàng, đồng thời hỗ trợ tài chính;
(2) THADI đầu tư 65% vào liên doanh Thadi - HVG trong sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, triển khai tại An Giang, Bình Định. Đợt đầu vào tháng 3/2020 này là 15.000 con;
(3) THADI đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn EFSA với quy mô 1,2 triệu con/năm nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường trong ngoài nước.