Làm sao để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp?

06/09/2022 12:06
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ thì bản thân doanh nghiệp cũng phải hoạt động minh bạch, nghiêm túc và không ngừng nâng cao năng lực quản trị tài chính.

Việc doanh nghiệp huy động được nguồn vốn là rất quan trọng, nhưng việc sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả vào giai đoạn này lại càng quan trọng hơn đối với sức khỏe và sự sống còn của các doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn lưu động do bị ảnh hưởng của hơn hai năm đại dịch, chi phí đầu vào tăng cao, có nhiều mặt hàng tăng giá từ 30-40%....Trước đó, Chính phủ cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ và hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang mở nốt van tín dụng cho những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách hỗ trợ thì bản thân doanh nghiệp cũng phải hoạt động minh bạch, nghiêm túc và không ngừng nâng cao năng lực quản trị tài chính, giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc, thúc đẩy nền kinh tế và thị trường phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Tại Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội và ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đã có những chia sẻ về giải pháp làm sao để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

BTV Mùi Khánh Ly: Theo các ông đánh giá hiện nay các doanh nghiệp đang "khát" vốn ra sao?

Ông Mạc Quốc Anh: Cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay có hơn 800.000 doanh nghiệp, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 98,5%. Với doanh nghiệp như vậy, cách thức tiếp cận nguồn vốn đều qua các hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Với mức vốn vay dao động khoảng từ 3-10 tỷ đồng thì doanh nghiệp đều cần vay các khoản vốn ngắn hạn và trung hạn để trả lương cho hệ thống nhân sự, đầu tư về hệ thống, về máy móc, trang thiết bị dài hạn khoảng từ 3-5 năm. Với nhu cầu về các nguồn vốn như vậy, các doanh nghiệp đều yên tâm khi hệ thống ngân hàng ổn định trong một thời gian dài sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra.

Các khoản vốn mà các doanh nghiệp tiếp cận được rất ưu đãi, khoảng 7-10%, theo chúng tôi đánh giá là tương đối hợp lý. Nhưng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022, xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn khi nguồn cung nguyên liệu gặp khó khăn, nhiều mặt hàng tăng từ 30-40% và đặc biệt là khâu vận chuyển, logistic đều tăng giá. Điều đó dẫn đến phương án kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn và lợi nhuận trên đầu sản phẩm của các doanh nghiệp đều bị sụt giảm.

Giai đoạn 2017- 2019, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên mỗi đầu sản phẩm khoảng từ 7-15% nhưng hiện nay chỉ từ 3-5% và chi phí lại bị tăng cao, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn và chính các ngân hàng cũng phải tính toán lại. Nếu cung cấp thêm nguồn vốn ra thì khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề hay không? Việc thanh toán gốc và lãi sẽ khó khăn không? Trong khi đó, hệ thống doanh nghiệp đều mong muốn được vay nhiều và lãi suất hợp lý. Ở đây việc giải quyết bài toán giữa ngân hàng và doanh nghiệp là rất khó.

Ông Lê Long Giang: Nếu xét trong 3 năm trở lại đây, trong những năm 2020 và 2021, GDP của Việt Nam cũng như GDP thế giới giảm nhiều, chỉ tăng được khoảng 2% do dịch bệnh. Nghĩa là các doanh nghiệp đều giảm quy mô và giảm các sản phẩm sản xuất ra. Bởi khi có dịch bệnh, trừ nhu cầu hằng ngày thì các nhu cầu khác đều bị giảm đi dẫn đến đa số các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự và nguồn vốn. Năm nay khi các nhu cầu phục hồi trở lại, họ bắt đầu quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, vừa có nhu cầu về nhân sự nhiều hơn, vừa có nhu cầu vốn nhiều hơn.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng sau hai năm cũng không thể đáp ứng kịp với nhu cầu quay trở lại này. Bởi vậy, có thể nhận thấy rõ trong vòng sáu tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã dùng đến hơn 9% dư nợ tăng trưởng tín dụng trong tổng số 14%. Chính vì thế dẫn đến sự khát vốn tại các doanh nghiệp.

Một nguồn vốn truyền thống luôn được mong đợi là tín dụng ngân hàng, tuy nhiên "room" tín dụng cho những tháng cuối năm này cũng không có nhiều nữa. Các ông nghĩ sao về điều này?

Ông Mạc Quốc Anh: Việc mở "room" tín dụng cấp vốn cho thị trường, đặc biệt cho hệ thống doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá việc mở còn căn cứ vào một số yếu tố.

Thứ nhất, phải đánh giá cả thị trường quốc tế và thị trường nội địa, khả năng tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đang như thế nào. Một phần nữa, chúng ta bơm vốn ra thì có tập trung vào đúng đối tượng hay không? Vì vậy, trong việc nới "room", quan trọng đầu tiên là phương án kinh doanh của các doanh nghiệp có khả thi không? Thị trường hiện nay như chúng ta được biết, ngành dệt may và da giày có nhiều đơn hàng không còn trong những tháng tiếp theo nên việc cấp vốn như vậy thì liệu doanh nghiệp có thể hấp thụ được không, có thể trả được gốc cả lãi hay không. Dự báo về tình hình năm 2023 và những năm tiếp cũng vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, phải tính về vấn đề lãi suất, như lãi suất hiện nay đã ở mức tương đối hợp lý cho doanh nghiệp.

Ông Lê Long Giang: Về "room" tín dụng có thể xét trên hai mặt. Trước hết, về mặt khả năng, các ngân hàng thương mại hiện đều có khả năng cung cấp tiếp lượng "room" tín dụng cho các doanh nghiệp, bởi tổng nguồn tiền gửi từ cư dân và tổ chức kinh tế 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 3,6% theo thống kê, nghĩa là nguồn tiền hoàn toàn vẫn có khả năng đáp ứng.

Thứ hai, nếu chúng ta xét mối tương quan giữa GDP và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm, thì từ những năm 2017, 2018, 2019 với mức tăng trưởng GDP khoảng 6-7% thì mức tăng trưởng tín dụng đều trên dưới 15%. Chính vì vậy, năm nay chúng ta kỳ vọng việc GDP giữ khoảng mức 6% thì "room" tín dụng để mức 16% là hợp lý, nếu để 14% thì sẽ khó cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, vấn đề tăng trưởng tín dụng cùng với lạm phát, các chuyên gia cho rằng lạm phát ở Việt Nam do chi phí đẩy chứ không do lãi suất và tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, việc có mức "room" tín dụng khoảng trên dưới 16% là hợp lý.

Bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, thì còn một kênh giúp doanh nghiệp huy động vốn nữa là thị trường chứng khoán. Đến thời điểm này thị trường cũng đã phục hồi, theo các ông đánh giá, thị trường chứng khoán có giúp doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả trong bối cảnh khát vốn như hiện nay không?

Ông Mạc Quốc Anh: Đối với kênh dẫn vốn là thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thị trường này chắc chắn nguồn vốn độ mở lớn hơn và không quá áp lực cho các doanh nghiệp liên quan vấn đề về lãi suất và thanh toán nhưng sẽ khó khăn cho doanh nghiệp ở một số khía cạnh.

Thứ nhất, bản thân doanh nghiệp phải rất rõ ràng trong vấn đề minh bạch, công bố về tài chính, về kết quả kinh doanh, quản trị dòng tiền, kể cả trả gốc, trả lãi và các vốn vay, khoản nợ đều phải công khai, minh bạch thì mới có khả năng tiếp cận được thị trường này. Bên cạnh đó, đối với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư luôn luôn yêu cầu rất cao với một doanh nghiệp niêm yết, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp đều phải minh chứng qua góc độ về lợi nhuận, lãi vay và các khoản trả nợ.

Một khía cạnh nữa là trong công tác quản trị về mặt điều hành, bộ máy quản trị, ban tổng Giám đốc, hệ thống tầm trung phải có chuyên môn cao, có uy tín về mặt đạo đức. Nhìn chung, việc tham gia thị trường cũng khó nhưng không thể không làm, đặc biệt các doanh nghiệp mà quy mô vừa.

Ông Lê Long Giang: Kênh huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu đó là kênh dài hạn và các doanh nghiệp phải sử dụng vốn đó vào kế hoạch trong thời gian dài. Trong khoảng sáu tháng cuối năm, nếu như các doanh nghiệp cần vốn thì chắc chắn nguồn vốn từ ngân hàng sẽ vẫn thuận lợi và kịp thời hơn. Nếu trông chờ vào nguồn vốn từ thị trường chứng khoán thì chỉ có thể sử dụng nguồn vốn này từ năm sau.

Về nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp thì chúng ta cần phải thúc đẩy hơn nữa việc phát triển thị trường chứng khoán, cũng như sửa đổi Nghị định 153 liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Theo thống kê của chúng tôi, trung bình các năm trước mỗi năm có khoảng từ 30-40 doanh nghiệp niêm yết lên sàn, nhưng 6 tháng đầu năm 2022 mới có khoảng 9 doanh nghiệp trên tổng số khoảng 17 bộ hồ sơ được đồng ý để niêm yết và chuyển sàn, thấp hơn hẳn so với trung bình của các năm trước.

Tôi nghĩ chúng ta cần có những chính sách minh bạch hơn nhưng cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp hơn nữa.

Vậy theo các ông, để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, cần có những giải pháp như thế nào cho hiệu quả?

Ông Mạc Quốc Anh: Việc đầu tiên là phải thực hiện tốt Nghị quyết 42 của Quốc hội trong việc xử lý nợ xấu. Bởi khoản nợ xấu hiện nay đang nằm ở các tổ chức tín dụng là "cục máu đông", làm cản trở việc nới "room" cho cộng đồng doanh nghiệp có thể vay trong thời gian vừa qua và những giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, trong chính sách về hỗ trợ về tài khóa về tiền tệ đã tung ra rất nhiều gói để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ví dụ như giảm lãi vay, cho vay ưu đãi giảm 2%, giảm các loại thuế, phí. Tôi nghĩ khâu này đã và đang thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả. Các nghị định hướng dẫn kéo dài đến ngày 31/12/2022, nhưng tôi mong muốn kéo dài thêm sáu tháng nữa, đến 30/6 của năm 2023 thì sẽ đạt được hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp thông qua hệ thống đào tạo quản trị về tài chính, về dòng tiền cũng vô cùng quan trọng, bởi với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân lực rất mỏng và yếu, việc quản trị nhân lực về tài chính còn kém. Tôi cũng mong muốn hệ thống ngân hàng 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo tiếp tục cắt giảm các khâu quản trị trong hệ thống để nâng cao về công nghệ, hệ thống ngân hàng sẽ giảm được chi phí quản trị, theo đó chắc chắn sẽ giảm được lãi suất cho vay với hệ thống các doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.

Ông Lê Long Giang: Về nguồn vốn cho các doanh nghiệp, chúng ta cũng phải hỗ trợ những doanh nghiệp còn chưa đủ điều kiện để vay vốn, nếu chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp đủ điều kiện rồi thì chưa đủ.

Bởi vậy, những chính sách như giảm và hỗ trợ 2% lãi suất chỉ tác động đến những doanh nghiệp mà vẫn có khả năng vay tổ chức tín dụng. Nhưng với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng thì sẽ hỗ trợ họ như thế nào. Có thể nên có những chính sách như cho vay vốn với lãi suất 0% với những ngành nghề được đánh giá rằng hai năm Covid vừa rồi đã không thể trụ được, ví dụ như du lịch hay những ngành liên quan như vậy. Hệ thống Chính phủ có thể dùng bớt một phần nguồn vốn từ đầu tư công để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, kèm theo những chính sách và có những điều kiện cụ thể.

Còn giải pháp đối với thị trường chứng khoán thì sao?

Ông Mạc Quốc Anh: Đối với góc độ thị trường chứng khoán, Chính phủ, Uỷ ban Chứng khoán và các đơn vị quản lý Nhà nước đã làm rất mạnh mẽ trong việc thắt chặt các cách thức, các giải pháp lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường, để kênh này làm tốt thì việc đầu tiên là bản thân các doanh nghiệp phải hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, minh bạch và nghiêm túc, thực hiện đúng pháp luật và không vi phạm về mặt đạo đức.

Đối với phía cơ quan quản lý nhà nước thì tăng cường khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá những tổ chức tín dụng, những doanh nghiệp làm nghiêm túc và cả những doanh nghiệp vi phạm để có các giải pháp chặt chẽ như trong thời gian vừa qua, nếu muốn mở rộng mạnh mẽ hơn thì có thể kêu gọi thêm các nguồn lực từ các tổ chức tín dụng quốc tế đầu tư thêm vào thị trường.

Thêm vào đó, trong khối liên kết, hợp tác, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận một làn sóng mới, đó là M&A giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư với nhau, đặc biệt là chúng ta cũng phải chấp nhận việc chuyển nhượng các cổ phần, các dự án cho các nhà đầu tư mới để có thể tăng quy mô của doanh nghiệp lên.

Ngoài ra, việc nâng hạng là việc làm cần thiết với quy mô dân số hiện nay chúng ta gần 100 triệu dân và được đánh giá là dân số vàng. Hơn nữa, có rất nhiều các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Chính phủ, Quốc hội đã ký kết trong rất nhiều trong năm vừa qua và uy tín trên thị trường quốc tế đã có đối với các nhà đầu tư.

Do đó, việc nâng hạng là vô cùng cần thiết. Nâng hạng ở đây là không chỉ là uy tín quốc gia được nâng lên, mà uy tín về thị trường tài chính, uy tín doanh nghiệp sẽ được nâng cao. Các tổ chức tín dụng luôn luôn quan tâm những nước đang phát triển, có cơ cấu dân số, quy mô về mặt thị trường, tài chính minh bạch, đặc biệt khâu thanh khoản không bị đổ vỡ vấn đề về tài chính khi mà dịch bệnh Covid kéo dài như vậy.

Ông Lê Long Giang: Sau một loạt các động thái rất nỗ lực của Chính phủ làm cho thị trường đã lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư rằng thị trường chứng khoán chính là siêu thị về tài chính, tất cả các hàng hóa ở trên đó đều phải rất chất lượng. Các hoạt động từ nhà đầu tư cho đến các sản phẩm tài chính của doanh nghiệp đưa lên cũng sẽ rõ ràng, minh bạch và đảm bảo hơn.

Ngoài ra, cần phải có những cơ chế để thúc đẩy các nhà đầu tư sử dụng các công cụ tài chính hỗ trợ như quỹ đầu tư và chứng chỉ quỹ. Các quỹ đầu tư lớn và các nhà đầu tư chuyên nghiệp ở trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian dài đều thắng thế vì họ có kiến thức sâu và kiên định về việc đầu tư chứ không đầu tư theo những dòng thông tin không chính thống. Việc nâng hạng thị trường để thu hút dòng vốn ngoại là một chính sách và một chủ trương rất hợp lý.

Rất nhiều các quỹ đầu tư chỉ đầu tư vào những thị trường trong các điều lệ quỹ của họ, họ không đầu tư vào những thị trường chưa đến đạt độ minh bạch về tài chính. Bởi vậy, rất nhiều các quỹ đầu tư với hàng trăm tỷ USD sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam nếu như thị trường Việt Nam được nâng hạng. Việc nâng hạng thị trường Việt Nam không những là sự cố gắng của Chính phủ mà cả người dân và các doanh nghiệp cũng cần phải cố gắng.

Bên cạnh các giải pháp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý thì phía doanh nghiệp cũng cần phải làm gì để nhanh chóng có được nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay?

Ông Mạc Quốc Anh: Việc đầu tiên doanh nghiệp nên có quỹ trích lập dự phòng rủi ro từ 3-5%, điều này đều đã có quy định nhưng vẫn phải mang yếu tố tự nguyện từ phía các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta phải thắt chặt các hoạt động quản trị về mặt tài chính, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, chuyên viên, đặc biệt là giám đốc tài chính, kế toán công nợ, kế toán tổng hợp và cả những bộ phận về mặt thu chi. Một phần nữa là áp dụng mạnh mẽ công nghệ thanh toán, vấn đề này vô cùng quan trọng, tránh những chi phí không chính thức. Nhiều doanh nghiệp TNHH họ không thành lập ban kiểm soát mà chỉ có những công ty cổ phần.

Tuy nhiên, kể cả những doanh nghiệp chưa lên sàn chứng khoán cũng phải thành lập ban kiểm soát này để kiểm soát vấn đề về mặt chi tiêu nội bộ, chi tiêu về phía bên ngoài, để dòng vốn, lợi nhuận không bị thất thoát và cũng sẽ thành công trong việc tiếp cận vốn hơn.

Ông Lê Long Giang: Khó khăn trong huy động vốn đôi khi cũng có những thuận lợi làm cho doanh nghiệp chuyển mình hơn. Với doanh nghiệp trong giai đoạn này tôi nghĩ rằng họ sẽ phải chủ động tìm kiếm những nguồn vốn khác ngoài ngân hàng, chẳng hạn như nên tìm đến nguồn vốn qua thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực đó.

Ví dụ như trong chủ trương phát hành năng lượng sạch, đã có một số doanh nghiệp phát hành được những trái phiếu xanh và gọi được nguồn vốn cho doanh nghiệp mà có phát triển năng lượng sạch đó. Nhưng đôi khi các doanh nghiệp lại không biết đến nguồn vốn đó, không biết đến trái phiếu xanh nên họ phải đi vay những ngân hàng truyền thống hoặc những tổ chức khác thì sẽ khó khăn hơn.

Ngoài ra, việc nâng cao các kiến thức và các kinh nghiệm quản lý tài chính cũng rất cần thiết. Bài toán tài chính thực chất mới là bài toán khó giải và mang tính chiến lược. Sau những khó khăn này các doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại, cũng sẽ chủ động hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển đều và phát triển vững của doanh nghiệp.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
4 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
3 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
3 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
2 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
2 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Mì tôm thanh long nhận vốn triệu USD, nhà sản xuất muốn thu 2.000 tỷ đồng
22/10/2024 09:28
Mì thanh long đã tiêu thụ hơn 3 triệu gói mì sau chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, các nhà sáng lập tham vọng thu 2.000 tỷ đồng năm 2026.
Nữ đại gia đứng sau chuỗi cafe Katinat sở hữu khối tài sản "khủng" cỡ nào?
13/09/2024 05:42
Theo tìm hiểu của PV, thành công của chuỗi Katinat có sự đóng góp không nhỏ của nữ doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt.
VNG bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh
07/09/2024 08:54
Sáng nay (7/9), VNG đã thông báo bổ nhiệm ông Kelly Wong - phó Tổng giám đốc VNG làm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh.
Lộ diện ông trùm đứng sau Black Myth: Wukong: Sở hữu công ty giá trị tỷ đô, lọt danh sách 30 Under 30” của Forbes
05/09/2024 08:40
Cuối cùng, nhân vật đứng sau tựa game đình đám Black Myth: Wukong cũng đã lộ diện.