LTS: Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng việc mua bán giữa Uber và Grab có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh 2004. Do đó cơ quan này chuyển hồ sơ để
Hội đồng Cạnh tranh xử lý theo quy định. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến người dân, chuyên gia về vấn đề này.
Sau khi Uber rút khỏi Việt Nam (VN), nhiều người lo sợ Grab sẽ độc quyền . Tuy nhiên, sự ra đời của một số công ty công nghệ cung cấp ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải khiến tình thế đang dần “xoay trục”.
Nếu chèn ép, Grab dễ bị đào thải
Lý giải cho nhận định trên, anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ 850 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội, khẳng định đó là nhờ sự ra đời của một số công ty công nghệ như Imove , Liver Taxi, Taxi Chiều Về, AdTO… và gần đây là ứng dụng gọi xe VATO.
“Tài xế, khách hàng đang hưởng khuyến mãi lớn từ VATO nên lượng người tải và sử dụng app của đơn vị này tăng lên đáng kể. Trong đó, tài xế không cần phải chiết khấu cho VATO nên nếu kinh doanh theo tư tưởng độc quyền thì Grab rất dễ bị đào thải” - anh Hùng giải thích.
Cùng quan điểm, anh Mai Văn Long, tài xế VATO, cho rằng lượng khách gọi xe qua ứng dụng của Grab hiện cao nhất vì khách hàng được hưởng nhiều khuyến mãi. Tuy nhiên, sự ra đời của các công ty công nghệ khác đã giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Do phải cạnh tranh quyết liệt nên các đơn vị này đều cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Với góc độ khách hàng, chị Nguyễn Thị Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, khẳng định ứng dụng gọi xe của Grab vẫn là số một bởi gọi xe nhanh, chất lượng ổn và có nhiều chương trình khuyến mãi. Không ít lần chị di chuyển không mất tiền. Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm, giá Grab tăng cao chị lại chọn VATO, Mai Linh, Liver Taxi…
“Giờ khách hàng ai cũng cài nhiều ứng dụng gọi xe, dịch vụ nào tiện, rẻ nhất thì sử dụng. Việc không có sự độc quyền sẽ giúp người dân hưởng lợi rất nhiều, nhất là giá và chất lượng dịch vụ” - chị Tân chia sẻ.
Lượng khách gọi xe qua ứng dụng của Grab hiện cao nhất vì khách hàng được hưởng nhiều khuyến mãi. Ảnh: HTD
Muốn "buộc tội", chứng cứ phải thuyết phục
Dù liên tục ra sản phẩm mới nhưng phải thừa nhận sức cạnh tranh của nhiều công ty công nghệ trên thị trường hiện vẫn còn hạn chế. Điều này khiến nhận định Grab đang độc quyền cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN (VIAC), để xác định Grab độc quyền hay vi phạm quy định tập trung kinh tế rất khó.
Ông Đức dẫn chứng giao dịch Grab-Uber diễn ra ở nước ngoài nên để buộc các công ty này vi phạm Luật Cạnh tranh sẽ khó có căn cứ. Bên cạnh đó, kết luận điều tra sơ bộ của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) chưa công bố được số liệu đầy đủ hoạt động của hai công ty này ở VN. Đặc biệt, nếu xác định vi phạm phải so sánh xem họ chiếm bao nhiêu thị phần...
“Tuy nhiên, để đưa ra bằng chứng không hề dễ vì chưa biết so sánh với cái gì, với taxi truyền thống hay chỉ kết nối ứng dụng. Bởi hiện nay Grab đang cung cấp công nghệ cho các hãng taxi và GrabCar. Điển hình, vừa qua tôi sử dụng app Grab gọi xe, sau đó tôi lên xe một hãng taxi” - ông Đức dẫn chứng.
Với phân tích trên, ông Đức cho rằng khó lường trước được kết quả điều tra sắp tới. nếu kết luận Grab có sai phạm thì cơ quan quản lý phải có chứng cứ thuyết phục để công ty công nghệ này “tâm phục, khẩu phục”, không thể bằng cảm tính. Theo ông Đức, vấn đề cốt lõi là cần sớm định danh rõ loại hình này. Bên cạnh đó, tạo hành lang pháp lý để quản lý cũng như các công cụ để kiểm soát trên thực tế.
“Ví dụ Nhà nước chỉ cần tuyên bố đây là mô hình kinh doanh đặc biệt rồi đưa vào khuôn khổ để quản lý” - luật sư Trương Thanh Đức nói, đồng thời nhấn mạnh để giải quyết vấn đề Grab thì không thể chỉ điều chỉnh bằng các nghị định, thông tư mà phải sửa luật.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Như Phát, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật, cho biết Grab có đại diện ở VN nhưng Uber thì không. Vì vậy, đây được xem là cuộc sáp nhập ngoài lãnh thổ VN nhưng gây tác động đến thị trường VN. Điều này trước đây các nhà làm luật VN chưa tính đến. Dự thảo sửa đổi Luật Cạnh tranh đang được Quốc hội xem xét đã mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh để khắc phục vấn đề này.
Còn về việc “buộc tội” Grab, ông Phát có chung quan điểm với luật sư Đức, đó là phải đặt trong phạm vi thị trường liên quan, xác định rõ Grab cạnh tranh với ai. “Giả sử Grab là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối vận tải thì ai là đối thủ cạnh tranh và thị phần của họ là bao nhiêu, có cân đo đong đếm được không…” - ông Phát lý giải.
___________________________
Kỳ tới: Chuyên gia kinh tế: Grab khó gây thiệt hại cho người tiêu dùng