Tiềm năng lớn chưa được khai thác
“Nền kinh tế Việt Nam có tỉ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỉ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết, đây là tiềm năng lớn” - ông Alatabani Alwaleed Fareed Alatabani - Chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank) - cho biết tại Diễn đàn về thị trường vốn - tài chính.
Theo một chuyên gia, GDP của Việt Nam khoảng 220 tỉ USD, vì vậy nếu đem so sánh 60 tỉ USD là con số rất lớn, đặc biệt là trong hoàn cảnh bội chi ngân sách lớn và nợ công cao.
Thế nhưng, tiền nhàn rỗi không chỉ nằm trong dân, mà còn có hiện tượng chảy ra nước ngoài. Năm 2017, dư luận từng xôn xao trước thông tin người Việt đã bỏ ra khoảng 3 tỉ USD để mua nhà ở Mỹ, Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất thế giới.
Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng - đặt câu hỏi: “Động cơ nào khiến nhiều người Việt Nam chuyển đổi tài sản từ VN sang nước ngoài? Động cơ nào thúc đẩy người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về Việt Nam, hay làm thế nào giữ chân các nhân tài của Việt Nam? Cần có phân tích sâu sắc về động cơ, chứ nếu chỉ có hô hào thì không có hiệu quả”.
Bài toán huy động tiền
Ông Ketut Kusuma - Chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của World Bank - đặt câu hỏi: “Làm thế nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư các kênh khác nhau như bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu, ngân hàng... nhiều hơn. Phần tích lũy và tiết kiệm của hộ gia đình được đầu tư vào đâu? Đây là câu hỏi mà nhà quản lý và nhà nước cần đặt ra để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng. Khi huy động được nguồn tiền này một cách hiệu quả và bền vững thì Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn vốn dài hạn”.
Để làm được điều này, ông Ketut Kusuma đưa ra các khuyến nghị: “Thứ nhất, cần tăng cường tính minh bạch của dữ liệu thông tin, hiện đại hóa khung pháp lý và cơ sở hạ tầng thị trường, nâng cao năng lực giám sát. Thứ hai, thị trường chứng khoán lồng ghép chiến lược cổ phần hóa DNNN vào phát triển thị trường, hướng tới tham gia vào các chỉ số của thị trường mới nổi, nhằm tăng cường tính minh bạch hơn thông tin về phân khúc và hợp nhất thị trường. Thứ ba, thị trường trái phiếu chính phủ cần tiếp tục cải cách, hướng tới tham gia và các chỉ số của thị trường mới nổi toàn cầu. Thứ tư, thị trường Trái phiếu doanh nghiệp cần thúc đẩy việc phát hành rộng rãi trên thị trường, giới thiệu các tổ chức phát hành có uy tín, áp dụng xếp hạng tín dụng”.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra bốn giải pháp để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân. Thứ nhất, Việt Nam có thể áp dụng mô hình Quỹ hưu trí 401K của Mỹ. Quỹ này do doanh nghiệp lập ra, được người lao động đóng góp 5% mức lương hằng tháng và doanh nghiệp góp một số tiền tương ứng vào quỹ. Quỹ tích lũy sẽ dành cho người dân lúc về hưu và cũng là kênh đầu tư hiệu quả, tạo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tạo chính sách mở cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Hiện chỉ những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn mới được phát hành trái phiếu. Còn những doanh nghiệp nhỏ, ít vốn vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Thứ ba, khuyến khích mở các công ty xếp hạng tín nhiệm về tín dụng để cung cấp thông tin cho người đầu tư. Đơn vị này cần có khả năng thẩm định uy tín, người dân sẽ dựa vào các đánh giá này để an tâm đầu tư hơn.
Thứ tư, tạo các quỹ đầu tư khuyến khích phát triển vốn trung và dài hạn. Quỹ là trung gian tài chính, khác với vốn ngân hàng chỉ là vay ngắn hạn.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, đại diện NHNN thừa nhận “Việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước”.
Đại diện NHNN cho biết việc huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền, về bản chất là làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Do vậy, việc chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền là lựa chọn tối ưu để tận dụng nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Quá trình chuyển hóa dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác, vì vậy, sẽ không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng; đồng thời sẽ tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhất định do không phải nhập khẩu vàng.
Về việc huy động nguồn lực USD, nhằm hạn chế tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế, NHNN cho biết đã có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%. Từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, diễn biến tỉ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (thể hiện qua tỉ lệ đôla hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm 31.12.2017), hệ thống TCTD chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước.