Dưới là bài viết của KS Nguyễn Mạnh Hưng, hiện là Trưởng phòng Cơ điện tại công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam. Với hơn 13 năm kinh nghiệm trong nghề, ông đã tham gia thiết kế và có những đóng góp lớn cho nhiều công trình thuộc các lĩnh vực như khách sạn, nhà ở, văn phòng, trường học tại Hà Nội và khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Do tính nhạy cảm của biến chủng mới lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp và trong không khí, một trong những con đường chính làm tăng cao số lượng người bị lây nhiễm chéo trong tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng chính là hệ thống thông gió và điều hòa không khí. Những khuyến cáo từ các chuyên gia luôn là cần thiết để người sử dụng có thể hạn chế và phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh trong văn phòng và chung cư cao tầng.
Nguy cơ lây nhiễm lớn từ các hệ thống thông gió trong tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng hiện nay
Do đặc điểm đây là những công trình có không gian quy mô rất lớn, có sự tập trung rất đông người, không gian làm việc, sinh hoạt thường được khép kín nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lớn về lây lan dịch bệnh Covid- 19, đặc biệt là với các biến chủng mới nhất có khả năng lây lan mạnh trong không khí và phát bệnh sau 2h qua hệ thống điều hòa không khí và thông gió của tòa nhà. Theo đánh giá sơ bộ chung, các tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng hiện nay đang được thiết kế tổ chức thông gió dù đảm bảo an toàn, tiện nghi, PCCC, nhưng hầu hết chưa được tính toán để có khả năng ngăn chặn sự lan truyền lây nhiễm, cũng như cô lập có hiệu quả các loại dịch bệnh có khả năng lan truyền qua không khí như Covid 19 có thể xảy ra trong tương lai.
Chung cư Hà Nội Centerpoint (27 Lê Văn Lương, Hà Nội), nơi có phát sinh nguồn bệnh Covid-19, nhưng do thiết kế tối ưu nên không làm lây lan dịch bệnh bên trong các căn hộ và không gian thương mại dịch vụ.
Theo các chuyên gia thiết kế của công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam, đơn vị chủ trì nhiều tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng quy mô lớn, về cơ bản, cả hai loại hình công trình tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng hiện đều áp dụng các mô hình thông gió chủ yếu theo chiều đứng và chiều ngang với nhiều ưu nhược điểm khác nhau.
Đối với tòa nhà văn phòng, trong một diện tích làm việc tập trung nhiều người (có thể cả 1 tầng nhà) hệ thống thông gió được thiết kế theo tầng, với hệ thống cửa hút và xả thường thoát lên mái. Hệ thống điều hòa không khí chủ yếu được thiết kế sử dụng các hệ thống điều hòa trung tâm với đặc điểm luân chuyển khí hồi trực tiếp từ trong phòng.
Một số các hệ thống khác, hiện đại hơn nhưng do yêu cầu về tiết kiệm năng lượng phải thu hồi một phần khí xả thông qua hệ thống thu hồi nhiệt (PAU) để tiết kiệm năng lượng nên vẫn có một lượng không khí cũ trong phòng được luân chuyển lại. Trong cả 2 trường hợp, do các hệ thống thu hồi không khí đều chỉ mới có chức năng lọc bụi, không có các hệ thống màng lọc, bộ lọc diệt khuẩn – virus nên việc các mầm dịch là virus, vi khuẩn, đặc biệt là các virus có khả năng lan truyền mạnh trong không khí theo khí hồi luân chuyển lại, làm gia tăng nguy cơ lây lan ra toàn bộ tầng nhà.
Sơ đồ hệ thống cấp khí theo tập trung theo trục đứng với cửa thoát khí trên mái cho không gian văn phòng làm việc tòa nhà văn phòng cao tầng (nguồn: sưu tầm)
Với căn hộ chung cư, dù thiết kế bao gồm các căn hộ có tính riêng tư tương đối nhưng vẫn có nhiều nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua hệ thống điều hòa không khí – thông gió xuất phát tại các không gian chung và riêng trong nhà chung cư. Với các không gian sử dụng chung như: không gian sảnh chính, sảnh tầng, hành lang tầng, thang máy, thiết kế chủ yếu vẫn sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với cách tổ chức hồi khí và tận dụng khí xả để tiết kiệm năng lượng, tương tự như các tòa nhà văn phòng, cùng với đó là việc bố trí nhiều các không gian dịch vụ công cộng tại các khối đế như TTTM, nhà hàng, quán café, v.v. nên nguy cơ lây nhiễm và lan truyền dịch bệnh rất lớn.
Bên cạnh đó, tại mỗi căn hộ chung cư dù được bố trí sử dụng cả giải pháp thông gió theo chiều ngang (với hệ thống điều hòa thoát khí trực tiếp ra ban công logia riêng từng căn hộ) và chiều đứng (với hệ thống cửa hút gió cho khu vệ sinh và bếp, luân chuyển khí hút theo trục đứng thoát lên mái chạy dọc và dùng chung cho các tầng). Tuy nhiên, do hệ thống thoát khí đều thoát chung qua một trục chính có lắp đặt van 1 chiều, nhưng vẫn có xác suất lớn về lan truyền dịch bệnh, khi mầm bệnh được luân chuyển, hòa trộn, và dịch chuyển trong trục ống từng tầng cũng như từ tầng dưới lên tầng trên.
Giải pháp tổ chức hệ thống điều hòa – thông gió, phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong chung cư và văn phòng
Trong thời gian tới, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, và trường hợp xảy ra nhiều loại dịch bệnh mới lan truyền trong không khí là không thể tránh khỏi, thiết kế tổ chức hệ thống điều hòa không khí – thông gió cho tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng, ngoài đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn, PCCC, tiện nghi sử dụng v.v. cần có sự đổi mới toàn diện để đảm bảo khả năng phòng chống lây nhiễm dịch bệnh tức thời và lâu dài.
Theo ý kiến của Kts Lê Văn Hảo – Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam: "Trong tòa nhà văn phòng, định hướng chung cần thiết kế, tổ chức các hệ thống điều hòa không khí và thông gió phải có khả năng cô lập và khử khuẩn từng phần không gian để hạn chế lan truyền dịch bệnh. Đối với các công trình tòa nhà văn phòng, các không gian chung trong tòa nhà chung cư xây mới, cần áp dụng thiết kế và lắp đặt các hệ thống điều hòa không khí và thông gió hiện đại như hệ thống điều hòa trung tâm bậc cao, có các hệ thống lọc khử khuẩn đảm bảo lọc sạch không khí luân chuyển lưu hồi, đồng thời cho phép tắt/bật, cô lập các không gian bị nhiễm bệnh tức thời khi có cảnh báo nguy cơ dịch bệnh. Với các hệ thống đã có tại các tòa nhà văn phòng đang sử dụng, có thể lắp đặt bổ sung hệ thống điều khiển trung tâm. Đây là hệ thống điều khiển tự động, có thể tích hợp bổ sung vào các hệ thống đã có, với giá thành rất phù hợp, hạn chế sự lây lan dịch bệnh tương đối có hiệu quả. Đồng thời, thiết kế kiến trúc các không gian sử dụng bên trong tòa nhà văn phòng, không gian sử dụng chung trong tòa nhà chung cư phải có khả năng ngăn chia linh hoạt để có thể đóng mở, hạn chế người ra vào trong các tình huống khẩn cấp."
Sơ đồ hệ thống điều hòa không khí và thông gió theo mô hình cục bộ cho không gian văn phòng, TTTM, công cộng có khả năng phân lập cao khi có rủi ro dịch bệnh, hạn chế lây chéo
Tổ hợp chung cư Cầu Giấy Centerpoint (110 Cầu Giấy, Hà Nội) với đầy đủ các tiện ích công cộng dịch vụ, có kiến trúc hiện đại, thiết kế hệ thống điều hòa có khả năng độc lập cao, các căn hộ ưu tiên tối đa sử dụng riêng miệng thải ra môi trường bên ngoài, hạn chế lây nhiễm chéo dịch bệnh
Mặt bằng tổ chức thông gió và thoát khí điểm hình Tổ hợp chung cư Cầu Giấy Centerpoint (110 Cầu Giấy, Hà Nội, trong đó cấp khí mới hoàn toàn từ bên ngoài, các căn hộ ưu tiên tối đa thoát khí theo các cửa thoát riêng độc lập hạn chế lây nhiễm dịch bệnh
Đối với các căn hộ chung cư cao tầng, việc thiết kế hệ thống điều hòa không khí và thông gió cần hạn chế việc luân chuyển theo chiều đứng, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các tầng nhà khi có dịch bệnh xảy ra, kinh nghiệm từ một số dự án chung cư cao tầng mà công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam là chủ trì thiết kế như Chung cư Hà Nội Centerpoint (27 Lê Văn Lương, Hà Nội) và chung cư Cầu Giấy Centerpoint (110 Cầu Giấy, Hà Nội), dù có nguy cơ về nguồn lây nhiễm dịch bệnh phát sinh bên trong tòa nhà nhưng do được thiết kế tối ưu về điều hòa không khí và thông gió, đã hạn chế đáng kể nguy cơ lây lan truyền, lây nhiễm chéo dịch bệnh cho cư dân. Để phòng chống có hiệu quả sự lan truyền dịch bệnh giữa các căn hộ chung cư, cần ưu tiên thiết kế tổ chức hệ thống điều hòa không khí và thông gió có hướng thoát khí theo chiều ngang. Các miệng xả, cục nóng điều hòa có thể được bố trí thoát khí tại các ban công logia riêng của từng căn hộ, hạn chế có hiệu quả sự hòa trộn, lây nhiễm chéo giữa các căn hộ.
Sơ đồ hệ thống cấp gió tươi và thoát gió độc lập cho từng căn hộ, hạn chế lây nhiễm chéo dịch bệnh (nguồn: sưu tầm)
Kết luận
Tóm lại, cùng với việc thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì việc đảm bảo một môi trường sống và làm việc thông thoáng, trong lành sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm và tạo dựng môi trường sống an toàn cho người dân.
Việc ban quản lý tòa nhà, người làm việc trong tòa nhà văn phòng, cư dân sinh sống tại chung cư cao tầng có thể tự xem xét đánh giá hệ thống điều hòa không khí và thông gió trong công trình đang sử dụng (cả theo chiều đứng và chiều ngang), nhận diện các nguy cơ về lây nhiễm chéo để hạn chế lây lan dịch bệnh qua hệ thống thông gió là rất quan trọng.
Trong thời điểm dịch bệnh phát sinh, ban quản lý tòa nhà, cư dân, người sử dụng v.v. cần hạn chế bật mở quạt thông khí WC nếu như thoát theo trục đứng. Đồng thời, các tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng cũng cần tăng cường xây dựng các phương án triển khai, tự thích ứng, tự chủ động cô lập nguồn bệnh khi có phát sinh nguy cơ. Trong đó, hoàn thiện các hệ thống điều hòa không khí và thông gió cho tòa nhà văn phòng và chung cư cao tầng hạn chế có hiệu quả sự lây nhiễm chéo của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp lúc này cũng như các loại dịch bệnh lan truyền mới sẽ xảy ra trong tương lai sẽ là điều cần được quan tâm và triển khai thực hiện khẩn trương lúc này.