Gộp phép hàng năm để nghỉ Tết sớm
Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm đủ năm cho doanh nghiệp sẽ có số ngày nghỉ hàng năm như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Như vậy, tính ra mỗi năm, người lao động sẽ có từ 12 - 16 ngày phép nếu làm đủ năm. Thậm chí, theo Điều 114 Bộ luật Lao động, nếu đã làm việc ở một doanh nghiệp đủ 5 năm, người lao động còn được cộng thêm 1 ngày phép.
Riêng trường hợp làm việc chưa đủ năm thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động sẽ được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Căn cứ khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ phép thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm/lần. Do đó, người lao động có thể thỏa thuận với doanh nghiệp để nghỉ gộp phép vào dịp Tết này để kéo dài kỳ nghỉ.
Đặc biệt, với cách nghỉ gộp phép này, người lao động dù nghỉ làm nhưng vẫn sẽ được nhận đủ lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Vì vậy, nếu năm ngoái còn dư phép, người lao động có thể tận dụng để nghỉ vào dịp Tết này. Trường hợp đã nghỉ hết phép năm trước, người lao động cũng có thể thỏa thuận nghỉ trước phép của năm tới để về quê và kịp cách ly theo yêu cầu của địa phương.
Xin nghỉ không hưởng lương để về quê trước
Ngoài quyền lợi về nghỉ phép năm, người lao động cũng được nghỉ việc riêng, xin nghỉ không hưởng lương. Khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động nêu rõ, ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo đó, ngoài các trường hợp được nghỉ khi gia đình có hiếu hỷ, người lao động còn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Vì vậy, nếu phải cách ly khi về quê ăn Tết, người lao động cần chủ động đề nghị nghỉ không lương để thu xếp trở về cho sớm để kịp hoàn thành cách ly ngay trước Tết Nguyên đán.
Trường hợp này, người lao động dù không được tính lương của những ngày nghỉ trước nhưng người đó hoàn toàn có thể xin tạm ứng lương trước để có thêm tiền trang trải dịp Tết (căn cứ khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019).
Lưu ý, cách nghỉ sớm này bắt buộc phải được sự đồng ý của người sử dụng lao động, nếu không, người lao động sẽ bị coi là tự ý nghỉ bỏ việc.
Theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động, t rường hợp tự ý bỏ việc từ 5 ngày làm việc cộng dồn trong tháng, người lao động có thể bị xử lý kỷ luật sa thải. Còn nếu bỏ việc 5 ngày làm việc liên tục, doanh nghiệp sẽ được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho người lao động biết.