Người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương ít nhất bằng 300% cho 2 giờ đầu, 330% cho giờ làm thêm thứ 3 và 360% cho giờ làm thêm thứ 4.
Đó là quy định tại một trong hai phương án tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới nhất, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 14/8.
Cần giải trình thấu đáo
Báo cáo về quy định mở rộng khung thoả thuận thời giờ làm thêm tối đa, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, vấn đề này hiện nay còn có ý kiến khác nhau từ phía Công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.
Nhấn mạnh cần cân nhắc kỹ lưỡng, cơ quan thẩm tra phân tích, mặc dù, trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật, từ phía người lao động bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống, từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm.
"Bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. Mặt khác, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống của người lao động", cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Đáng quan tâm hơn, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ tối đa trong trường hợp đặc biệt là 400 giờ/năm gấp 2 lần tổng số giờ làm thêm tối đa trong trường hợp bình thường luật định (200 giờ/năm) và bằng 50 ngày làm việc bình thường (8 giờ/ngày) là vấn đề cơ quan soạn thảo cần có giải trình thấu đáo cùng với mối quan hệ với thời giờ làm việc thực tế, tiền lương thực tế, hiệu quả, năng suất lao động và giải quyết việc làm...
Bên cạnh đó, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Từ những phân tích trên, cơ quan thẩm tra đề nghị, vấn đề này cần phải được cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian phải làm thêm giờ phải theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định và phải bảo đảm bảo một số nguyên tắc.
Như, phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Phải áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ. Phải bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng và phải có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát đảm bảo sự tuân thủ quy định về thời gian làm thêm giờ, tránh để xảy ra tình trạng phổ biến vi phạm pháp luật về làm thêm giờ như hiện nay.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ để bảo đảm tính đầy đủ của danh mục và có dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể, chặt chẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Hai phương án tiền lương
Về tiền lương làm thêm giờ, do còn ý kiến khác nhau của các bên, Ủy ban thẩm tra dự kiến hai phương án trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phương án 1: như dự thảo do Chính phủ trình
Quy định như Bộ luật hiện hành (vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%; làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm ít nhất 20%), đồng thời bổ sung thêm quy định: việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định trên thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.
Phương án 2: được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương và thể hiện tại Điều 100 của dự thảo Bộ luật.
Ủy ban thẩm tra cho rằng, cả hai phương án thực chất đều là trả lương theo lũy tiến. Phương án 2 được đề xuất nhằm để người sử dụng lao động cân nhắc, tính toán khi có nhu cầu, nếu thấy thật sự cần thiết và bảo đảm hiệu quả mới huy động làm thêm giờ, trên cơ sở thỏa thuận của hai bên.
Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, trong đó có nguồn lực ngân sách nhà nước phải chi trả đối với khu vực công; lấy thêm ý kiến người lao động, người sử dụng lao động, chuyên gia, các nhà quản lý… để việc lựa chọn có cơ sở khoa học, thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, chú trọng việc đảm bảo tái tạo sức lao động của người lao động.
Đồng thời, việc trả lương lũy tiến cần đặt trong mối quan hệ giữa giờ làm thêm theo ngày, theo tháng và theo năm để nhất quán về quan điểm. Trên thực tế, khi người sử dụng lao động chỉ tổ chức cho người lao động làm thêm tối đa không quá 2 giờ/ngày thì việc tính lũy tiến theo phương án 2 cũng không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, cũng cần tính đến các lao động làm thêm giờ mang tính đặc thù như trực theo ca của cán bộ y tế, lái xe, bảo vệ
Điều 100: Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
Phương án 1. Như để xuất của Chính phủ
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.
Việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định ở khoản này thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.
Phương án 2
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% cho 02 giờ đầu, 165% cho giờ làm thêm thứ 3 và 180% cho giờ làm thêm thứ 4.
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% cho 02 giờ đầu, 220% cho giờ làm thêm thứ 3 và 240% cho giờ làm thêm thứ 4.
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 02 giờ đầu, 330% cho giờ làm thêm thứ 3 và 360% cho giờ làm thêm thứ 4.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc được trả theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm ít nhất bằng 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này
(Nguồn: Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36).