Xuất khẩu tăng 2,2%
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Nửa đầu năm, sản xuất duy trì tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,71% so với cùng kỳ năm 2018.
Về xuất khẩu, báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy: 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sản đạt gần 19,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ NN&PTNT sáng nay (28/6), ông Nguyễn Văn Việt-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho hay: Nửa đầu năm nay, Bộ NN&PTNT đã mở cửa thị trường mới đối với nhiều sản phảm xuất khẩu như: Xoài vào Mỹ, Anh, Australia, măng cụt vào thị trường Trung Quốc… Bên cạnh đó, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết Nghị định thư cho phép nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa vào Trung Quốc.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị xuất khẩu sang Mỹ đối với các sản phẩm trái cây như: Bưởi, bơ, sầu riêng và các sản phẩm trái cây khác. Đối với thị trường Nhật Bản, Bộ NN&PTNT cũng đang đề nghị xuất khẩu vải, nhãn, bưởi, chôm chôm, vú sữa….
Dù đạt được những kết quả nêu trên, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nửa đầu năm nay vẫn khá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nửa đầu năm trước.
Xung quanh "bức tranh" tăng trưởng ngành nông nghiệp nửa đầu năm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp không cao như năm 2018 là điều tất yếu.
Lý do là bởi, năm nay nông nghiệp Việt chịu 3 thách thức rất lớn. Thứ nhất, đà tăng trưởng chậm dự báo của thế giới đã ảnh hưởng đến lượng cầu nông sản. Ba lần dự báo tăng trưởng giảm của bức tranh kinh tế thế giới cho thấy rất nhiều bất lợi cho nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có nông sản.
Thứ hai, lý do xuất phát từ chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc. Đây là 2 thị trường rất lớn của xuất khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng.
Ngoài ra, diễn biến bất lợi thời tiết ảnh hưởng mạnh đến khu vực sản xuất nông nghiệp. Điểm đặc biệt nữa là Dịch tả lợn châu Phi diễn ra thiệt hại nặng nề. Lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với dịch bệnh lớn, nguy hiểm và gây thiệt hại nhiều như vậy.
"Kết quả đạt được là cố gắng cao nhất trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay", Bộ trưởng Cường nói.
Lâm, thủy sản "cứu cánh"
Nửa cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định trong bối cảnh khó khăn, cần sự cố gắng chung của toàn ngành, trong đó đặc biệt là tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng đang có dư địa.
"Một là chúng ta phải đẩy nhanh, mạnh lĩnh vực lâm nghiệp nói chung, trong đó có kinh tế lâm sản vì đang có thời cơ. Bên cạnh đó, lĩnh vực đẩy mạnh còn là thủy sản khai thác và nuôi trồng. Mặc dù giá thủy sản thế giới đang không cao, nhưng vẫn còn dư địa để tập trung phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: Đây sẽ là 2 khu vực "cứu cánh" cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Cường, ngành trồng trọt và chăn nuôi cũng phải đẩy nhanh tái cơ cấu lại. Ví dụ như, ngành chăn nuôi tập trung mọi giải pháp để chặn đứng lại Dịch tả lợn châu Phi; đi đôi với đó phải đẩy nhanh chăn nuôi gia cầm và đại gia súc, chú ý yếu tố bền vững.
Khi phát triển chăn nuôi thì yếu tố thị trường, yếu tố bền vững, tạo sinh kế cho người chăn nuôi nhỏ lẻ là 3 yêu cầu bức bách đang đặt ra cho 2 nhóm đối tượng gia cầm và đại gia súc.
Đề cập tới Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Bộ trưởng Cường nêu rõ: Đây là những hiệp định có lợi thế rất lớn kể cả về mặt thị trường, nhóm ngành hàng, công nghệ, đầu tư nói chung...
Tuy nhiên, đi đôi với lợi thế là đầy rẫy những thách thức. "Cần tiếp tục tổ chức tốt những ngành hàng, trong đó có 2 nhóm có lợi thế là lâm sản và thủy sản bởi 2 nhóm này chiếm tỷ trọng rất lớn đi vào thị trường của 2 FTA. Các hàng rào phi thuế quan được dựng lên, đây là tất yếu buộc chúng ta vượt qua. Theo đó, chúng ta phải tổ chức chặt chẽ lại sản xuất để đem lại chất lượng, mẫu mã tốt hơn, giá cả hợp lý hơn cùng với nghệ thuật tổ chức thương mại hiện đại", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.