Bất kỳ ai dự đoán Trung Quốc sẽ chịu thua Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại đang ngày càng leo thang đều nên đọc về Biobase Group, 1 công ty của Trung Quốc.
Nhà sản xuất các thiết bị chuyên dùng trong phòng thí nghiệm từng phải rất chật vật và không nhiều lần giành được đơn hàng ngay trên sân nhà bởi ngành này bị thống trị bởi các sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, triển vọng của Biobase đã trở nên sáng sủa sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khuyến khích người tiêu dùng quay sang lựa chọn những sản phẩm nội địa.
"Trước đây thị trường nội địa phụ thuộc rất nặng vào hàng nhập khẩu, nhưng giờ thì khác rồi, chúng tôi có rất nhiều cơ hội", chủ tịch của Biobase chia sẻ.
Câu chuyện về Biobase xuất hiện trên tờ báo quốc doanh China Daily, vì thế có phần mang ý nghĩa tuyên truyền. Tuy nhiên nó mang đến một luận điểm quan trọng: Chính phủ Trung Quốc cảm thấy hài lòng khi người dân mua sản phẩm nội địa thay vì các sản phẩm Mỹ.
Trong số nhiều lầm tưởng trong chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đây có lẽ là điều nguy hiểm nhất: Trung Quốc không liều mạng duy trì mối quan hệ gắn bó khăng khít, phụ thuộc lẫn nhau với kinh tế Mỹ. Thay vào đó, mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là độc lập về kinh tế.
Điều đó khác xa so với tưởng tượng của ông Trump. Đối với Nhà Trắng, Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ để tạo ra tăng trưởng và việc làm, đến mức nước này sẵn sàng đầu hàng khi hàng rào thuế quan liên tục dâng cao. Chỉ là vấn đề thời gian để ông Tập chịu lùi bước.
Nhưng trên thực tế, có vẻ như thuế quan của Trump sẽ không gây ra những nỗi đau đủ mạnh để buộc ông Tập phải nhượng bộ. Thị trường nội địa khổng lồ đang ngày càng quan trọng hơn đối với tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Nhưng còn hơn thế, chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc được thiết kế để thay thế hoàn toàn các công nghệ và sản phẩm nhập ngoại bằng những thứ mà nước này có thể tự sản xuất và kiểm soát.
Nói theo cách đơn giản và gần gũi hơn, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn người dân mua điện thoại Xiaomi và xe ô tô Geely, chứ không phải iPhones và xe ô tô GM.
Đó chính xác là những gì chiến dịch "Made in China 2025" đang hướng đến. Kế hoạch là phát triển các ngành công nghệ cao để cạnh tranh và thậm chí là thay thế hoàn toàn các đối thủ nước ngoài, không chỉ tại Trung Quốc mà là trên toàn thế giới.
Do đó, cuộc chiến tranh thương mại lại trở thành 1 cái cớ để Trung Quốc đàng hoàng trì hoãn các cải cách mở cửa thị trường, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nội và gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài – cũng chính là những thứ mà Mỹ đòi hỏi Trung Quốc phải từ bỏ.
Thậm chí các chính sách của ông Trump còn khiến Trung Quốc nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc giảm phụ thuộc vào Mỹ. ZTE là 1 ví dụ. Sau khi ZTE bị Washington buộc tội vi phạm luật lệ Mỹ và lệnh cấm các công ty Mỹ cung ứng linh kiện cho ZTE gần như khiến tập đoàn này phải ngừng hoạt động, ông Tập đã phát biểu "chúng ta nên nắm chặt công nghệ trong tay".
Chương trình "Made in China 2025" của Trung Quốc còn đặt mục tiêu phát triển các thị trường xuất khẩu trên khắp thế giới. Bài báo trên China Daily miêu tả trong văn phòng của Chủ tịch Biobase có 1 tấm bản đồ đánh dấu các nước tham dự siêu dự án Một vành đai một con đường mà ông Tập khởi xướng. Mục tiêu của siêu dự án này là nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại những nền kinh tế đang phát triển, tạo thành 1 khối các nền kinh tế mà Trung Quốc đóng vai trò chi phối.
Những lập luận ở trên không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không lùi bước để đạt được 1 thỏa thuận thương mại với Washington. Triển vọng kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên sáng sủa hơn nhờ hội nhập và hợp tác sâu hơn với Mỹ để có thể tiếp cận với người tiêu dùng và công nghệ của Mỹ. Và với các yếu tố cơ bản trong nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu, Bắc Kinh cũng khó có thể chịu đựng những "làn gió ngược" tạo ra bởi thực trạng thương mại thế giới suy giảm.
Tuy nhiên, Bắc Kinh nhìn nhận "Made in China 2025" có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia và cả sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế. Điều đó có nghĩa là ông Tập sẽ không vội vã tìm kiếm 1 thỏa thuận thương mại như ông Trump như, và chỉ đồng thuận khi có 1 thỏa thuận không đe dọa chương trình nghị sự của ông.
Điểm mấu chốt là Trung Quốc muốn đi theo con đường của riêng mình, theo luật lệ do chính mình đặt ra. Trên con đường ấy không cần đến ông Trump và nước Mỹ.