Được ký hợp đồng lao động không thời hạn
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Theo khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019, hiện nay có 2 loại hợp đồng căn cứ vào thời hạn của hợp đồng lao động là Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và Hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Người lao động và doanh nghiệp được quyền tự thỏa thuận về thời hạn của hợp đồng lao động nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng có thời hạn với người lao động tối đa 2 lần. Điều này đồng nghĩa rằng, nếu muốn tiếp tục giữ chân người lao động thì trong lần ký hợp đồng thứ 3, doanh nghiệp buộc phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động đó.
Ví dụ: Nhân viên B ký hợp đồng lao động lần 1 với công ty có thời hạn 3 năm. Hết 3 năm, nhân viên này ký tiếp hợp đồng lần 2 thời hạn 3 năm. Sau tổng thời gian tối đa 6 năm, nếu như tiếp tục làm việc, hợp đồng lao động của nhân viên B sẽ trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.
Loại hợp đồng này đem đến cho người lao động một số quyền lợi sau:
- Nếu công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước thời gian dài hơn so với trường hợp ký hợp đồng lao động có thời hạn.
+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Báo trước 45 ngày.
+ Hợp đồng lao động có thời hạn: Báo trước 30 ngày.
- Trong vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do ốm đau tai nạn: Thời gian nghỉ điều trị của người lao động ký hợp đồng không xác định thời hạn được quy định dài hơn so với trường hợp ký hợp đồng có thời hạn.
+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Nghỉ điều trị dưới 12 tháng liên tục do ốm đau, tai nạn không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Hợp đồng lao động có thời hạn: Nghỉ điều trị dưới 06 tháng liên tục (hợp đồng từ 12 đến 36 tháng) hoặc nửa thời hạn hợp đồng lao động trở xuống (hợp đồng dưới 12 tháng) do ốm đau, tai nạn không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Được tính thêm phép năm theo thâm niên
Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, thông thường, trong trường hợp làm việc đủ 12 tháng trong năm, người làm công việc trong điều kiện bình thường sẽ có số ngày nghỉ phép năm là 12 ngày phép/năm; người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ có 14 ngày phép/năm; người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ có 16 ngày phép/năm.
Nếu làm việc lâu năm trong một doanh nghiệp, người lao động còn được tính thêm phép năm thâm niên theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể, cứ làm việc đủ 5 năm cho một người sử dụng lao động thì người lao động sẽ được cộng thêm tương ứng 1 ngày phép năm vào tổng số phép được hưởng. Thời điểm được cộng thêm phép năm theo thâm niên là ngay khi người lao động làm việc đủ 5 năm, đủ 10 năm, đủ 15 năm,… cho một doanh nghiệp.
Một số khoản phúc lợi khác dành cho nhân viên lâu năm
Ngoài các quyền lợi khi làm việc lâu năm cho một công ty theo quy định của pháp luật thì nhân viên làm việc lâu năm còn được hưởng thêm nhiều chế độ phúc lợi khác theo quy chế riêng của từng doanh nghiệp.
Thực tế, để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp đã xây dựng rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho những người lao động gắn bó lâu dài như tăng phép năm thâm niên nhiều hơn so với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Ví dụ, cứ làm việc đủ 5 năm thì được tăng thêm 2 ngày phép.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có các khoản thưởng thâm niên nhân viên làm việc lâu năm bên cạnh thưởng kết quả làm việc, thưởng KPI,… Nâng bậc lương cao hơn cho người lao động làm việc lâu năm hoặc có các chính sách đãi ngộ khác như hỗ trợ chăm sóc y tế, mua bảo hiểm sức khỏe,...