Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc truyền thông của Vinataba Philip Morris cho rằng: “Mô hình WFH chỉ có hiệu quả khi những người lao động có tính tự giác và ý thức kỷ luật cao”. Theo bà Thoa, không chỉ là giải pháp tạm thời cho mùa dịch Covid-19, đánh giá được những điểm yếu và mạnh của mô hình này, sẽ giúp DN có thêm phương thức làm việc mới mang tính lâu dài.
Để WFH có hiệu quả, trước hết người lao động phải tự xác định tính kỷ luật trong lao động. Trong ảnh: Một nhân viên của Vingroup đang làm việc tại nhà.
Những thói quen khó bỏ
Bà Thoa nói với Dân Việt: “Khi thoát khỏi áp lực môi trường công sở với “quan trên ngó xuống người ta trông vào”, kết quả của công việc tùy thuộc vào ý chí, trách nhiệm và cách làm việc của mỗi nhân viên. Theo tôi, WFH dễ làm nhân viên xao nhãng khi cảm thấy quá thoải mái, hoặc là làm họ rơi vào tình trạng làm việc không có điểm dừng, không phân chia thời gian nghỉ ngơi hợp lý…, hoặc là bị phân tâm của nhu cầu cá nhân và ngoại cảnh tác động: tiếng ồn, việc nhà…".
Bà Thế An, cựu quản lý cấp trung của Công ty truyền thông G. (TP.HCM) cho rằng, khi áp dụng WFH, nhiều nhân viên nữ vẫn còn quen suy nghĩ “ở nhà chính là nghỉ, là ngày cuối tuần nên hay sa đà vào chuyện cơm nước, chăm con, dọn dẹp và… nằm một chút”.
Mỹ Anh, cũng là một quản lý cấp trung của một công ty cho biết, trước đây, công ty có một nhân viên cứ đòi WFH nhưng khi cần gọi điện lại không nghe máy, lâu lâu quăng đại một email “vô hồn” mang tính đối phó. “Có lần tôi phát hiện trên facebook, toàn là hình cô ấy chơi với con, nấu ăn, làm bánh…”, Mỹ Anh kể.
Nhiều nhân viên có con nhỏ còn chia sẻ, thà đi làm, cứ giao con cho bà nội/ngoại hay người giúp việc. Còn WFH, vừa cho con bú, vừa lo những phần việc không tên khác nên không còn thời gian để làm việc.
Một thói quen “xấu” mà chính phụ nữ khi áp dụng WFH rất sợ đó chính là thói quen ăn vặt. “Vì công ty có nội quy cấm ăn vặt trong giờ làm việc nên nhiều chị em không thể ăn. Giờ áp dụng WFH, không có ai kiểm soát, không có nội quy nên ăn thoải mái. Cứ buồn miệng là đi lên đi xuống, đặt Grab, gọi Go… Nếu áp dụng WFH vài tháng, chắc lên 5kg quá”, Liên - nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội kể.
Với nhiều lao động nữ, khi WFH sợ nhất là thói quen ăn hàng. Trong ảnh: Một nhân viên trẻ mua hàng ăn vặt.
Giám đốc một công ty (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Nhược điểm của tui là ghiền tivi. Nên hễ ở nhà lúc nào cũng cắm mặt vào tivi, từ thời sự, giải trí, ca nhạc cho đến phim… Tui sợ WFH lắm”. Có người ở nhà bậc nhạc suốt cả ngày. Có người, cứ ở nhà là ngủ như chưa bao giờ được ngủ!
Phòng trọ - nỗi khổ của người trẻ
Với thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, nhiều người trẻ thuê phòng trọ chỉ là nơi để ngủ sau một ngày “cày cuốc” ở công ty. Hạnh, một nhân viên trẻ cho biết: “Mô hình WFH chỉ phù hợp với những ai có phòng riêng, có nhà riêng. Với tôi, WFH nghĩa là… quán cà phê. Mà lúc này, quán cà phê là một trong những nơi dễ lây nhiễm nhất, chưa kể chi phí vào quán cà phê cả ngày tốn cả vài trăm ngàn đồng. Cuối cùng, tránh nCov để gặp… ung thư bóp (ví)”.
Với thời tiết hiện nay ở Sài Gòn dao động từ 35 - 37 độ C, làm việc ở nhiều phòng trọ là một cực hình, vì nóng, ồn, mạng internet đang lúc mọi người tránh dịch Covid-19 nên “chậm như rùa”. Bà An cho biết, có đến những phòng trọ của nhân viên trẻ mới thấy tội. “Không thể nào WFH trong điều kiện như vậy được. Gặp lúc bị cúp điện mới thấy thương các bạn. Những ngày cuối tuần, nếu có việc đột xuất, họ phải ngồi đồng ở quán cà phê”, bà An bình luận.
Chỉ sợ… xa mặt cách lòng!
Nhiều yếu tố nêu trên là rào cản để DN quyết định có lựa chọn WFH hay không. Theo tìm hiểu của Dân Việt, một tác động khá quan trọng chính là mối tương tác con người với nhau, nhất là những công việc sáng tạo đòi hỏi phải có tiếp xúc trực tiếp giữa các thành viên trong nhóm.
Bà Kim Thoa của Vinataba Philip Morris cho rằng, “xa mặt dễ cách lòng”, nhân viên không có điều kiện trau dồi các kỹ năng mềm như: giao tiếp, phối hợp đội nhóm... “Tôi nhận thấy, khi tương tác với nhau, nhân viên làm việc nhanh, hiệu quả và sáng tạo hơn. Giao tiếp vật lý và hữu hình vẫn là sợi dây gắn kết bền chặt con người với nhau. WFH chỉ là giải pháp tình thế trong một số trường hợp đặc biệt (thiên tai, dịch bệnh…) hoặc những công việc đặc thù”, bà Thoa nói.
Bà Vũ Kiều Linh, một chuyên gia truyền thông kể, dù là văn phòng đại diện của một tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam nhưng trong tuần đầu tiên thực thi mô hình WFH, trưởng đại diện và trưởng các bộ phận “than trời” là phải làm đồng hồ báo thức cho nhân viên mỗi buổi sáng, nhất là những nhân viên trẻ, phải tổ chức nhiều cuộc họp để chia sẻ công việc của từng cá nhân trong nhóm.
Bà Kiều Linh cho rằng, mô hình WFH có nhiều ưu điểm. “Trước hết là tiết kiệm thời gian hai chiều từ nhà đến công sở khoảng 60 phút, nâng cao tính tự chủ bằng cách tập trung từng việc trong từng khung giờ đã tính toán, khai thác tối đa các công cụ hỗ trợ làm việc từ xa như sử dụng Slack cho trao đổi hàng ngày, Webex cho các cuộc họp...”, bà Linh chia sẻ.
Với nhiều lao động trẻ thuê phòng trọ, có được không gian làm việc riêng là niềm hạnh phúc!
Còn bà Kim Thoa nhận xét, khi áp dụng WFH, nhân viên cảm thấy tự do vì không phải tuân theo những quy tắc của môi trường công sở: trang phục, tác phong, giờ giấc, chỗ ngồi làm việc…; không bị tác động của môi trường xung quanh, giảm thiểu thời gian hội họp (kể cả thời gian chờ), tiết kiệm các khoản chi phí đi lại, ăn uống. Theo bà Thoa, WFH có thể tuyển dụng được những nhân viên giỏi dù họ đang ở đâu đó.
Trong khảo sát của một công ty dịch vụ truyền thông tại TP.HCM, nhiều nhân viên của công ty cho rằng, WFH sẽ tăng thời gian làm việc, an toàn với dịch bệnh, giao thông, giảm tán gẫu, thoải mái trình bày ý kiến mà không cần quan sát thái độ, rèn được tính kỷ luật lao động...
“Để WFH có hiệu quả, phải xác định tâm thế như đang làm việc ở văn phòng, gạt hết những chuyện không tên sang một bên, thậm chí con cái léo nhéo cũng mặc”, bà Thế An chốt hạ.