Trong tưởng tượng của chúng ta, sếp luôn là hình ảnh 1 người lớn tuổi, điềm đạm, giỏi giang (tất nhiên) và từng trải… Tuy nhiên trong thực tế sẽ có lúc bạn phải làm việc dưới quyền 1 vị sếp trẻ hơn mình, thậm chí trẻ hơn rất nhiều. Hiện nay tỷ lệ người trẻ làm sếp ngày càng gia tăng đồng nghĩa với việc tỷ lệ người lớn tuổi làm việc "dưới trướng" sếp trẻ hơn mình cũng gia tăng theo.
Hãy tôn trọng thực tế
Dù không nằm trong trí tưởng tượng của bạn lúc đầu, nhưng chắc chắn một điều bạn nên chấp nhận và hãy tôn trọng thực tế này. Người trẻ đã lên được vị trí sếp đó chắc chắn là những người rất giỏi, có nhiều phẩm chất của một nhà quản lý mà bạn cần học hỏi.
Trên thực tế, các sếp trẻ cũng thường xuyên có những quyết định mang tính đột phá, có những tư duy hoàn toàn mới mẻ sẽ tạo nên một luồng sinh khí mới cho công việc, cho công ty. Do vậy, điều bạn cần làm không phải là so đo ganh ghét về tuổi tác, mà cần học được những phẩm chất, tư cách và kiến thức từ người sếp trẻ đó.
Sếp trẻ không có nghĩa là sếp không có những kinh nghiệm giải quyết công việc như những người có thâm niên. Định kiến về tuổi tác đang là một sai lầm lớn. Những người trẻ tuổi thời nay rất chú tâm học hỏi từ khi còn bé, họ nắm bắt mọi thứ rất tốt. "Gió không đáng sợ, đáng sợ nhất là để tâm trí mình cột chặt vào những niềm tin không hữu ích" - Fususu từng nói.
Đừng nghĩ sẽ được sếp xem trọng vì bạn lớn tuổi
Mọi giá trị sẽ được đánh giá qua công việc. Bạn làm được việc đương nhiên sẽ được sếp xem trọng. Cũng vậy, định kiến tuổi tác không nên có trong tư tưởng bạn và chắc hẳn lại càng không có trong tư tưởng các sếp.
Vì thế, cũng đừng nghĩ rằng mình lớn tuổi sẽ được quyền đưa ra những lời khuyên, những chỉ dẫn kiểu "dạy bảo" cho sếp. Khi bạn đã chấp nhận thực tế, hãy cố làm những gì có ích hơn. Hãy chứng minh cho sếp thấy năng lực của bạn qua hiệu quả công việc.
Hãy trở thành trợ thủ đắc lực của sếp thay vì chứng tỏ mình khôn ngoan, già dặn hơn sếp. Cũng đừng cố tỏ ra mình "trẻ" như sếp, bởi tuổi tác là có thực. Bạn vẫn có thể sống đúng với tuổi của mình và vẫn có thể hoàn thành tốt công việc, vẫn có thể tìm hiểu những suy nghĩ của sếp trẻ…
Hãy luôn nhớ rằng đó là sếp chứ không phải em út bạn
Nhiều lúc vì khoảng cách tuổi tác, bạn vô tình nghĩ rằng sếp còn chưa bằng tuổi đứa em út trong nhà bạn rồi lại vô tình đối xử, giao tiếp với sếp như với những đứa em của mình – một sai lầm lớn. Dù ít tuổi, đó vẫn là sếp của bạn. Trong công việc bạn vẫn phải luôn tôn trọng ý kiến sếp, và ngoài cuộc sống bạn vẫn phải dùng vị trí một nhân viên để đối đãi với sếp.
Cũng đừng lo lắng
Hầu hết các sếp trẻ trong công việc có thể nghiêm túc nhưng ngoài đời lại là những người rất dễ gần gũi. Họ trẻ trung, năng động và hòa đồng được mọi thứ.
Một sếp trẻ trong giờ làm việc có thể rất khó khăn với nhân viên (kể cả nhân viên lớn tuổi), vẫn khắt khe yêu cầu họ làm việc này việc nọ, vẫn chỉ trích khi nhân viên làm sai, làm chưa đúng ý. Tuy nhiên, cũng vị sếp đó và vị nhân viên đó khi thoát ra ngoài công việc lại có thể là những người bạn không cùng lứa tuổi. Họ vẫn có thể cùng nhau giải trí trong những trò chơi thuộc sở thích chung, vẫn có thể cùng nhau đàm đạo và tranh cãi về bất cứ chủ đề nào ngoài lĩnh vực công việc…
Sếp trẻ cần để cho nhân viên biết năng lực thực sự của mình
Thực tế cho thấy không chỉ những nhân viên lớn tuổi cảm thấy khó khăn khi làm việc với các sếp trẻ, mà bản thân các sếp trẻ cũng cần thời gian thích nghi với vị trí mới và những nhân viên lớn tuổi hơn mình.
Nhìn bề ngoài nghiêm nghị, khuôn mặt lạnh lạnh ít biểu cảm, thực ra sếp trẻ cũng đang khá bối rối khi bước vào môi trường mới với những nhân viên ít tuổi hơn mình nhiều quá. Tuy thế, các sếp trẻ thường nhanh chóng thích nghi, việc đầu tiên là họ cần để cho nhân viên biết năng lực thực sự của mình – đó là điều đưa bạn lên làm sếp nơi đó.
Ngoài ra, sếp trẻ cũng đừng ngại học hỏi: một người lãnh đạo hiểu biết không sợ phải công nhận khả năng của các nhân viên. Những nhân viên lớn tuổi cũng thường có những kinh nghiệm có thể chia sẻ cho sếp trẻ, hãy trân trọng những kiến thức đó tránh lãng phí.