Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa ký văn bản yêu cầu UBND TP Đồng Hới khẩn trương vào cuộc làm rõ vụ việc 6 nhà hàng ở xã Quang Phú lấn chiếm hơn 11.000m2 đất ven biển.
Một trong những nhà hàng lấn chiếm đất để kinh doanh |
Trước đó, năm 2003, UBND TP Đồng Hới cho 6 hộ gia đình, cá nhân thuê đất dọc đường biển Trương Pháp, thuộc xã Quang Phú để kinh doanh nhà hàng hải sản.
Trong quá trình sử dụng diện tích đất được thuê, các nhà hàng này tự ý lấn chiếm thêm đất để xây dựng các công trình, mở rộng việc kinh doanh.
Theo đó, nhà hàng Hải Yến lấn chiếm 3.840 m2; nhà hàng Mỹ Hương lấn chiếm 2.818 m2; nhà hàng Vạn Tuế (trước đây là nhà hàng Việt Hùng) lấn chiếm 1.637,5 m2; nhà hàng Đức Duyên lấn chiếm 1.520,7 m2; nhà hàng Phú Cường lấn chiếm 1.235,6 m2; nhà hàng Quốc Dũng lấn chiếm 651,3 m2.
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình |
Mặc dù để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất ở khu vực ven biển được ví như “đất vàng” của thành phố, tuy nhiên UBND TP Đồng Hới không xử lý mà lại có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình cho phép 6 hộ gia đình, cá nhân này thuê đất để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ không thông qua hình thức đấu giá đối với phần diện tích tăng thêm.
Lý do mà UBND TP Đồng Hới đưa ra là "phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt". Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương liên quan cũng có đề nghị về việc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 6 hộ gia đình, cá nhân đối với số diện tích hơn 11.000m đã lấn chiếm.
Tuy nhiên, xét thấy các đề nghị trên không phù hợp nên UBND tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến chỉ đạo không thống nhất về việc cấp GCNQSDĐ cho 6 hộ gia đình, cá nhân đối với diện tích tăng thêm.
Yêu cầu UBND TP Đồng Hới cần sớm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất xây dựng công trình, kinh doanh trái phép, đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định và báo cáo kết quả xử lý cho UBND tỉnh chậm nhất vào cuối tháng 4/2020.
Hải Sâm