12 năm sau khi rời bỏ một dự án khai thác dầu tây nam Iran dưới áp lực của Washington, Nhật Bản thấy mình như đang đi vào vết xe đổ. Nhưng lần này là việc rút lui khỏi một dự án năng lượng ở Viễn Đông Nga.
Mỏ dầu Azadegan của Iran có trữ lượng lớn nhất thế giới với 26 tỷ thùng. Công ty Phát triển Dầu mỏ Nhật Bản do chính phủ hậu thuẫn (nay là INPEX) đã mua lại 75% vốn dự án năm 2004 với mong muốn phát triển mỏ dầu mà Nhật Bản nắm quyền kiểm soát mạnh mẽ.
Nhật Bản và Iran có mối quan hệ lâu năm tốt đẹp. Ngay cả sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 khởi đầu mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran kéo dài suốt 4 thập kỷ, Tokyo và Tehran vẫn duy trì quan hệ ngoại giao. Khi Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, Nhật Bản đã mắc kẹt với dự án Azadegan thập niên 2000.
Cuối cùng, Mỹ làm rõ với Tokyo rằng nếu Nhật Bản tiếp tục giữ khoản đầu tư của mình ở Azadegan, họ sẽ bị trừng phạt. Một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) hồi tưởng: "Chúng tôi từ bỏ Azadegan với đầy cõi lòng nặng trĩu". Rút kinh nghiệm ở Iran, Nhật Bản quay sang vùng Viễn Đông Nga để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Vịnh Ba Tư.
Nhưng hệt như sự xoay vần định mệnh, vốn đầu tư của Nhật Bản trong các dự án năng lượng Sakhalin của Nga đang trong tầm ngắm. Sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ như ExxonMobil và Shell lần lượt tuyên bố rút khỏi mỏ dầu Sakhalin 1 và mỏ khí Sakhalin 2.
METI của Nhật Bản và các công ty thương mại như Itochu Corporation và Marubeni Corporation đang đầu tư vào Sakhalin 1. Trong khi đó, các doanh nghiệp đối thủ như Mitsui & Co. và Mitsubishi Corporation đang đầu tư vào Sakhalin 2.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori (bên phải) tiếp đón Bộ trưởng Dầu mỏ Iran khi đó là Bijan Namdar Zangeneh vào tháng 2/2001.
Việc rút lui khỏi Azadegan đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Vào thời điểm đó, Mỹ cảnh báo METI để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không đạt được những quyền đặc nhượng mà Nhật Bản từ bỏ.
Ban đầu, Nhật Bản bán phần của mình cho Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran. Song, quyền đặc nhượng cuối cùng lại về tay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Trường hợp ở Sakhalin có thể sẽ đi theo kịch bản tương tự vậy. Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia NHK ngày 6/3, Thượng nghị sĩ Hiroshige Seko, người thúc đẩy hợp tác kinh tế với Nga với tư cách là cựu Bộ trường METI dưới thời cựu Tổng thống Shinzo Abe, cho biết: "Nếu chúng ta rút lui ngay bây giờ, những nước như Trung Quốc đang rất muốn có khí tự nhiên hoá lỏng (LNG). Những quốc gia đó sẽ sử dụng khí đốt giá rẻ".
Nga chiếm 8,8% lượng LNG và 3,6% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản. Một quan chức Nhật Bản đánh giá: "Khi chống lại Nga, Nhật Bản sẽ mắc sai lầm nếu từ bỏ nguồn cung ổn định và tự làm suy yếu đất nước".
Nhưng như trường hợp năm 2010, những lời chỉ trích về việc Nhật Bản rút lui khỏi Azadegan là có liên quan đến ngày nay. Mua bán từ các quốc gia bị quốc tế trừng phạt không phải là cách thức cho an ninh năng lượng.
Bất kể quyết định nhất thời nào, rõ ràng là Nga không thể trở thành giải pháp thay thế khả thi cho năng lượng Trung Đông. Chừng nào Nhật Bản còn phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, nước này sẽ gặp khó khăn để tìm ra con đường bền vững phía trước.
Nhu cầu chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và điện hạt nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo Nikkei