"2 năm vừa qua chúng tôi rất vất vả cạnh tranh với đối tác nước ngoài", cựu CEO Trần Thanh Hải lần đầu lên tiếng sau khi rời beGroup. Ông Hải rời doanh nghiệp gọi xe mình sáng lập vào ngày 24/12 năm ngoái.
Hai vấn đề mấu chốt khiến be vật lộn đấu với Grab mà ông Hải chỉ ra là Chính sách và Vốn, chứ không phải sự đón nhận của thị trường.
"Thị trường đón nhận nhiệt liệt. Năm nay bọn tôi có bỏ ra 1.000 - 2.000 tỷ đồng, họ sẽ "vứt" vào thị trường 3.000 tỷ. Lúc ấy cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, cực kỳ khó khăn. Tôi không ủng hộ bảo hộ, cái quan trọng chúng ta đề cập tới là sân chơi công bằng, nhưng thế nào là công bằng? Không thể nói thị trường công bằng khi một ông cầm 1 tỷ USD vào thị trường, tổng các ông trong nước cầm 500 triệu USD".
"Làm be, tôi luôn nói trong suốt 2 năm qua: Tài xế là người Việt, xe là của người Việt, đường sá đi lại là đất Việt, xăng đổ là của người Việt, tiền trả bằng Việt Nam đồng, tại sao chúng ta lại bị phụ thuộc vào "tay chơi" nước ngoài?", ông Hải chia sẻ tại tọa đàm chính sách "Ứng dụng Kinh tế Nền tảng Số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam" do do UPGen phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức.
Hai vấn đề mấu chốt khiến be vật lộn đấu với Grab mà ông Hải chỉ ra là Chính sách và Vốn, chứ không phải sự đón nhận của thị trường
Đồng tình với ý kiến của ông Hải, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT UPGen Việt Nam, chia sẻ trong quá trình hoạt động thực tế, doanh nghiệp ông gặp khá nhiều khó khăn, mà một trong những khó khăn lớn nhất là khả năng cạnh tranh về mặt nguồn vốn.
"Khi tiềm lực tài chính không phải yếu tố phù hợp để cạnh tranh, chúng ta buộc phải sử dụng nhiều yếu tố khác, từ sáng tạo, công nghệ đến các yếu tố "local" - đặc điểm của thị trường địa phương - nơi mà theo chúng tôi, Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một sân chơi công bằng".
"Một sân chơi công bằng không có nghĩa tất tần tật mọi thứ giống nhau, khi một công ty nước ngoài có thể bỏ vào thị trường một vài tỷ USD thì doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh bằng tiền. Vì vậy, vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong việc tạo cơ chế, khung pháp lý… để làm sao các doanh nghiệp cạnh tranh bằng việc tạo ra giá trị tương lai thay vì dùng tiền của hiện tại để cạnh tranh", ông Nam nhấn mạnh.
Câu chuyện công bằng được ông Nam thuật lại lời ví von của ông Hải: Có 2 anh chơi trò leo lên tầng 2 bằng thang. Một người dùng thang leo lên trước, sau đó đưa ra luật chơi gọi là "công bằng" với tất cả là từ giờ mọi người sẽ leo lên mà không dùng thang.
"Cái đó không phải công bằng. Tạo sân chơi công bằng và cạnh tranh công bằng là điều quan trọng để tạo ra nhiều doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp đều phải tập trung vào việc tạo giá trị cho xã hội mà người hưởng lợi cuối cùng là xã hội, là người dân", ông Nam khẳng định.