Lần đầu sau 35 năm, TQ xem xét hoãn họp Quốc hội vì Covid-19: Có thể phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

21/02/2020 14:59
Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc mới đây cùng thông báo nghiên cứu phương án lùi thời gian tổ chức kỳ họp đại biểu toàn quốc, thường khai mạc đầu tháng 3 hàng năm.

Trung Quốc xem xét lùi thời gian khai mạc Lưỡng hội 2020

Kỳ họp Nhân đại toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc và Đại hội đại biểu Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc - gọi chung là Lưỡng hội - là sự kiện chính trị thường niên quan trọng nhất ở Trung Quốc, có ý nghĩa lớn đối với hoạt động quản lý, điều hành quốc gia.

Chiều ngày 17/2, hội nghị chủ tịch của Ủy ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc khóa XIII đã họp tại Bắc Kinh để "truyền đạt và học tập tinh thần phát biểu quan trọng của Tổng bí thư [đảng Cộng sản Trung Quốc] Tập Cận Bình về công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19)". Cuộc họp này cũng nghiên cứu phương án lùi thời hạn tổ chức hội nghị toàn quốc của Chính hiệp.

Cùng ngày, hội nghị Ủy viên trưởng Ban thường vụ Nhân đại Trung Quốc cũng tổ chức tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Một trong số nội dung được đề xuất tại cuộc họp này là "Đề xuất liên quan đến Dự thảo quyết định của Ban thường vụ Nhân đại toàn quốc về lùi thời gian tổ chức kỳ họp thứ ba của Nhân đại toàn quốc khóa XIII".

Lần đầu sau 35 năm, TQ xem xét hoãn họp Quốc hội vì Covid-19: Có thể phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 1.

Trung Quốc trì hoãn khai mạc Lưỡng hội được cho là có thể gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của nước này năm 2020 (Ảnh: EPA)

Theo báo Tân Kinh (Trung Quốc), việc tổ chức Lưỡng hội vào đầu tháng 3 hàng năm bắt đầu trở thành thông lệ kể từ năm 1985. Trước đó, các hội nghị của Nhân đại và Chính hiệp Trung Quốc được tổ chức vào những thời gian khác nhau trong năm, không có quy tắc chung.

Tờ này cho hay, nguyên nhân hàng đầu để Trung Quốc cân nhắc lùi thời gian tổ chức Lưỡng hội là bởi có nhiều đại biểu hiện vẫn đang làm việc ở tuyến đầu chống lại dịch Covid-19. Trong tháng 1, 29 tỉnh thành của Trung Quốc đã tổ chức "lưỡng hội" cấp địa phương. Sự kiện "lưỡng hội" của các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam, theo kế hoạch tổ chức đầu tháng 2, đã phải hoãn lại do dịch bệnh bùng phát.

Nếu Trung Quốc chính thức quyết định trì hoãn Lưỡng hội năm nay, thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi trở thành thông lệ, sự kiện này không được khai mạc đúng thời gian vào đầu tháng 3 (thường là ngày 3/3 và 5/3). Ngay cả khi dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc đầu năm 2003, Lưỡng hội vẫn được tiến hành đúng kế hoạch.

Ông Tập chắc chắn với những mục tiêu đã đề ra

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, sự trì hoãn tổ chức kỳ Lưỡng hội thường niên do dịch virus corona có thể mang lại những bất ổn mới và làm phức tạp hơn nỗ lực quản lý nền kinh tế số 2 thế giới.

Việc tổ chức muộn kỳ họp của Nhân đại và Chính hiệp cũng làm dấy lên câu hỏi về khả năng và cách thức để Trung Quốc điều phối các mục tiêu kinh tế-xã hội được đặt ra tại Hội nghị công tác trung ương tháng 12 năm ngoái.

Thông thường, các chỉ số kinh tế-xã hội của năm trước cùng mục tiêu tăng trưởng năm mới sẽ được công bố trong báo cáo công tác chính phủ của thủ tướng Trung Quốc trước Quốc hội.

Tại kỳ họp Lưỡng hội, các đường lối, chính sách lớn của ĐCSTQ sẽ được diễn giải đến người dân, đồng thời mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát, cũng như thâm hụt ngân sách,... sẽ được công bố.

Trong hai tuần qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc sẽ vượt qua những tác động của dịch bệnh đang xảy ra và bám chắc mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Điện đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 18/2, ông Tập nhấn mạnh rằng tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế Trung Quốc là "tạm thời" và nước này "vẫn sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra trong năm nay về phát triển kinh tế và xã hội".

Trong khi ông Tập đặt niềm tin vào đường hướng chính sách lớn được vạch ra tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương năm ngoái, cũng như tầm nhìn lớn về hoàn thành mục tiêu cơ bản xây dựng xã hội khá giả toàn diện ở Trung Quốc vào năm nay, các nhà phân tích cho rằng giới chức Trung Quốc cần linh hoạt hơn và điều chỉnh các chính sách kinh tế cùng mục tiêu cụ thể để phù hợp với tình hình dịch bệnh.

SCMP dẫn báo cáo công bố trong tuần này của nhóm 17 quan chức cấp cao và chuyên gia kinh tế - do cựu Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Wu Xiaoling dẫn dắt - lập luận rằng Trung Quốc nên tăng thâm hụt ngân sách năm nay lên mức 3.5% GDP.

Ngoài ra, theo bà Wu, nhà chức trách cũng nên phát hành khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 142 triệu USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Báo cáo cũng gợi ý, ngoài việc công bố chỉ số tăng trưởng thực tế, Cục thống kê nhà nước (NBS) Trung Quốc nên phát hành một báo cáo so sánh tăng trưởng GDP Quý I năm 2020 với tiêu chí "ngoại trừ tác động từ virus corona", nhằm củng cố lòng tin của công chúng và thị trường.

Cố vấn chính phủ Trung Quốc: Có thể phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP

Cho đến khi được Quốc hội Trung Quốc thông qua, chỉ số mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 vẫn chỉ là số liệu không chính thức, dù con số này đã được các nhà hoạch định thảo luận cụ thể ở Hội nghị công tác kinh tế trung ương.

Mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 được cho là "vào khoảng 6%", so với mục tiêu 6-6.5% của năm 2019. Mức tăng trưởng của năm 2019 được cho là 6.1%.

Lần đầu sau 35 năm, TQ xem xét hoãn họp Quốc hội vì Covid-19: Có thể phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 2.

Ông Zhang Yansheng, chuyên gia kinh tế, cố vấn cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc (Ảnh: Caijing)

Zhang Yansheng, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (có trụ sở ở Bắc Kinh), nói rằng có khả năng Trung Quốc sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh bùng phát.

"Chắc chắn sẽ có những điều chỉnh," ông Zhang nói với SCMP. "Đối với chính phủ trung ương, họ vẫn chưa định nghĩa được đâu là 'phạm vi [tăng trưởng] hợp lý' cần có sau khi dịch bệnh bùng phát. Người dân vẫn đang theo dõi dịch bệnh sẽ phát triển ra sao và tác động thế nào đến kinh tế."

"Phạm vi tăng trưởng hợp lý" là cụm từ thường được thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sử dụng khi đề cập cách thức xác định mục tiêu tăng trưởng của nước này. Ông Zhang Yansheng hiện nắm vai trò Trưởng thư ký Ủy ban học thuật, thuộc Ủy ban phát triển và cải cách nhà nước (NDRC), trực thuộc chính phủ Trung Quốc.

"Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP cuối cùng, chúng ta cần phải thực tế. Mục tiêu GDP không phải là một yêu cầu bắt buộc mà là một con số dự báo mềm - nói đúng hơn là một con số dự báo có thể được điều chỉnh 3 hay 4 lần một năm."

Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng của JD Digits, cho rằng vẫn còn nhiều nhân tố chưa xác định trong bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn.

"Có thể sẽ có một số tinh chỉnh về chính sách, nhưng định hướng tổng thể vẫn sẽ là không đổi," ông Shen nêu.

Tình thế khó khăn của Bắc Kinh

Theo SCMP, Bắc Kinh đang đứng trong tình huống khó khăn. Nếu quyết tâm theo đuổi những mục tiêu tăng trưởng GDP và thâm hụt ngân sách đã được nhất trí từ trước, điều này có thể sẽ "lệch pha" với tình hình mới bởi tăng trưởng thực tế Quý I của Trung Quốc - với số liệu công bố vào giữa tháng 4 - được dự báo sẽ rất thấp, do những tác động của virus corona.

Nếu điều chỉnh các mục tiêu, chính phủ Trung Quốc cũng đứng trước lo ngại gửi đi những thông điệp xáo trộn, khi 29/31 tỉnh thành đã tổ chức xong "lưỡng hội" và công bố các mục tiêu tăng trưởng địa phương, trên cơ sở phù hợp với mục tiêu phát triển của cả nước.

Đề cập tình huống kể trên, ông Zhang Yansheng nói, "Đường hướng và các mục tiêu [phát triển kinh tế-xã hội] là rõ ràng. Đây không phải là trường hợp mà mọi người không biết là cần phải làm gì trong năm nay."

Cựu chủ tịch Hiệp hội cải cách kinh tế Trung Quốc (CSER) Song Xiaowu cho rằng Trung Quốc nên tiếp tục nắm chắc mục tiêu tăng trưởng 6% và cả mục tiêu nâng gấp đôi quy mô nền kinh tế năm 2020 so với năm 2010 - một phần quan trọng trong mục tiêu "xã hội khá giả toàn diện".

Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc và khu vực Bắc Á của Standard Chartered, nói rằng Trung Quốc có thể duy trì tăng trưởng "khoảng 6%" trong năm 2020, nhưng Bắc Kinh sẽ "nhân nhượng cho một chênh lệch lớn hơn so với mục tiêu".


Lần đầu sau 35 năm, TQ xem xét hoãn họp Quốc hội vì Covid-19: Có thể phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 5.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
2 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
49 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
36 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
1 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
53 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
13 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
1 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.