Báo cáo mới đây của Moody's Analytics cho thấy tỉ lệ nợ ở nhiều nước đang gia tăng đáng ngại.
"Nợ chính phủ ở Đông Nam Á tiếp tục tăng trong năm 2021, dù mức tăng không quá mạnh như năm 2020. Thái Lan và Philippines có tỉ lệ tăng nợ chính phủ so với GDP lớn nhất ở Đông Nam Á và trên toàn cầu từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021", Moody's Analytics nhận định.
Chi nhiều hơn thu
Theo Moody's Analytics, trong đại dịch COVID-19, các nước Đông Nam Á đã nâng trần nợ vay thêm và tăng chi tiêu hỗ trợ nền kinh tế. Trước dịch, Philippines đã giảm được nợ công xuống 39,6% GDP vào năm 2019 nhưng lại vọt lên 63,5% GDP vào quý 1-2022.
Trong khi đó, nợ của Thái Lan tăng mạnh từ 41% GDP năm 2019 lên 60% GDP vào cuối năm 2021 và dự kiến đạt gần 62% GDP vào tháng 9-2022, theo ước tính của Bộ Tài chính nước này. Năm ngoái, Thái Lan đã nâng trần nợ từ 60% lên 70% GDP.
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Abdul Aziz mới đây cho biết tỉ lệ thanh toán nợ trên doanh thu của chính phủ nước này hiện vào khoảng 18,4%, tức mỗi đồng thu vào sẽ dành ra 1/5 để trả tiền lãi, và số tiền này tách biệt với tiền trả nợ. Dù vậy, ông Zafrul khẳng định nợ của Malaysia vẫn trong tầm kiểm soát và nước này sẽ không sụp đổ về tài chính như Sri Lanka.
"Nếu chúng ta so sánh các chỉ số kinh tế của mình với Sri Lanka, rõ ràng chúng ta mạnh hơn nhiều so với họ. Vì vậy, khả năng Malaysia vỡ nợ như Sri Lanka là rất thấp", ông nói trên tờ New Straits Times. Ông cũng so sánh nợ của Malaysia vẫn thấp hơn một số nước như Nhật Bản (263% GDP) và Singapore (133% GDP).
Nhưng các chuyên gia cho rằng ngưỡng chịu đựng của các nước như Malaysia không thể như các nước nói trên.
"Tỉ lệ nợ trên GDP vượt ngưỡng 90% có thể dẫn đến thảm họa kinh tế cho đất nước", tờ The Star dẫn lời nhà kinh tế Shan Saeed nói.
Theo báo cáo của Moody's Analytics, nợ nần của các hộ gia đình tăng cao cũng là một vấn đề lớn. "Nhiều nước Đông Nam Á cũng đang đối mặt với giá nhà đất tăng chóng mặt do tiền "nóng", và tình trạng đầu cơ tiếp tục đẩy giá lên", báo cáo cho biết.
Nguồn: Moody's Analytics, Statista - Đồ họa: TUẤN ANH
Nguy cơ khủng hoảng
"Sau đại dịch, tài chính của các nước dự kiến sẽ mạnh hơn bắt đầu từ năm 2023 khi họ hướng tới các chính sách coi COVID-19 là bệnh đặc hữu bao gồm cả việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội", Moody's Analytics nhận định.
Nhưng đây sẽ là một chặng đường dài và một số ý kiến cho rằng nợ của các nước sẽ còn tăng thêm cho đến khi thoát khỏi khó khăn. Tại Philippines, chính quyền nước này hy vọng nợ công sẽ giảm xuống còn 61,3% GDP vào năm 2023 và 52,5% vào năm 2028.
Trong bài viết mới đây, tờ Nikkei Asia cho rằng những thách thức tài chính đang quay trở lại khu vực châu Á sau 25 năm kể từ cuộc khủng hoảng năm 1997. Ngoài nợ do đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đang cố gắng giảm áp lực lạm phát với người dân nhưng các biện pháp hỗ trợ khá hạn chế do chính phủ không còn nguồn lực tài chính dồi dào.
Trong khi đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ vào tháng 6-2022 tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất trong 28 năm, cũng khiến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế châu Á và gánh nặng nợ bằng đồng USD sẽ tăng lên ở một số nước.
Một số ngân hàng trung ương châu Á cũng đã nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng việc này có nguy cơ bóp nghẹt các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Báo Nikkei dẫn lời các chuyên gia cũng cho rằng mặt tích cực là hầu hết các quốc gia châu Á đã xây dựng năng lực mạnh mẽ trong 25 năm qua, một phần nhờ vào quá trình công nghiệp hóa, như ở Thái Lan, Malaysia, Việt Nam.
Ông Koji Sako, phó giáo sư tại Đại học Quốc tế Josai của Nhật Bản, cho biết mặc dù sự phụ thuộc tổng thể của khu vực vào đồng USD không suy giảm trong 25 năm qua nhưng khả năng phục hồi của khu vực đã được cải thiện rất nhiều.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng kỷ lục
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của Việt Nam tới năm 2030 nợ công không quá 60% GDP. Nợ công của Việt Nam hiện nay vào khoảng 43,7%, nếu cộng thêm các gói kích cầu của Chính phủ thì lên khoảng 45% GDP.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tháng 3-2022 cho biết tốc độ tăng trưởng dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng rất nhanh trong thập niên qua và đạt mức kỷ lục gần 110 tỉ USD.