Dẫn số liệu từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Báo cáo xuất nhập khẩu 2021 do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương công bố cuối tháng 4/2022 cho thấy kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động nguyên chiếc của Việt Nam đạt 3,16 tỷ USD, tăng đến 70,8% so với năm 2020.
Trong số này, nhập khẩu iPhone tăng mạnh nhất (159%), lên 1,234 tỷ USD. Đứng thứ 2 là điện thoại Samsung với kim ngạch là 863,3 triệu USD, thứ 3 là Oppo - kim ngạch 426,12 triệu USD. Xiaomi cũng có một năm tăng trưởng mạnh tại Việt Nam khi kim ngạch nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc tăng đến 85%, đạt 273 triệu USD. Đứng thứ 5 trong danh sách này là Vivo – một hãng di động Trung Quốc khác với kim ngạch nhập khẩu là 206,7 triệu USD.
So với nhiều hãng di động còn lại, kim ngạch nhập khẩu điện thoại từ 5 hãng sản xuất này tỏ ra hoàn toàn vượt trội. Chẳng hạn, nhập khẩu điện thoại Nokia ở vị trí số 5 chỉ đạt 23,5 triệu USD - bằng 1/10 so với hãng đứng liền trước, tiếp tục giảm mạnh cho các vị trí tiếp theo như Itel (12,3 triệu USD), Masstel (8,6 triệu USD), Motorola (3,13 triệu USD), Asus (1,94 triệu USD), Sony (1,24 triệu USD).
Kim ngạch nhập khẩu một số dòng điện thoại về Việt Nam năm 2021 so với 2020 (đơn vị: triệu USD).
Kim ngạch nhập khẩu vượt trội của 5 nhà sản xuất gồm Apple (iPhone), Samsung (Galaxy), Oppo, Xiaomi và Vivo khá trùng khớp với bức tranh thị phần di động tại Việt Nam trong năm 2021. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường GfK, Samsung là nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Việt Nam với 32,1% thị phần, Oppo xếp thứ 2 với 20,1%, Apple chiếm 10,2%, Xiaomi là 9,1% còn Vivo là 9,3%.
Khác biệt lớn nhất đến từ tổng giá trị nhập khẩu. Apple chỉ đứng thứ 3 về thị phần, lần lượt bằng 1/2 và 1/3 lượng máy bán ra so với 2 đối thủ là Oppo và Samsung nhưng giá trị trên từng sản phẩm cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn, Samsung dù có lượng máy bán ra gấp 3 lần đối thủ nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ bằng khoảng 2/3 (hơn 800 triệu USD so với 1,2 tỷ USD).
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi từ trước đến nay, Apple chỉ bán sản phẩm ở phân khúc cao và cận cao cấp. Hầu hết sản phẩm của hãng đều có giá bán khoảng trên 15 triệu đồng, trong đó những model bán chạy nhất có giá trị trên 30 triệu đồng trong khi với các đối thủ, hầu hết sản phẩm bán chạy đều nằm ở phân khúc tầm trung và thấp (giá trị 5-10 triệu đồng, thậm chí thấp hơn).
Kim ngạch nhập khẩu tăng 158% là con số vô cùng ấn tượng đối với sản phẩm Apple (từ 475,5 triệu USD lên hơn 1,2 tỷ USD). Thực tế trong khoảng 2-3 năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các thị trường có mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất của Apple. Trong các buổi công bố báo cáo doanh số quý, CEO Tim Cook đã nhắc về Việt Nam, Ấn Độ như là những ví dụ tiêu biểu cho việc tăng trưởng tốt.
Trong đợt mở bán iPhone 13 chính hãng hồi cuối tháng 10, hầu hết đại lý lớn đều báo doanh số đặt hàng kỷ lục - mặc dù hãng gặp khó khăn lớn về chuỗi cung ứng khiến tình trạng khan hàng diễn ra trên diện rộng.
Dòng iPhone 13 giúp Apple tăng mạnh doanh thu tại Việt Nam.
Thế Giới Di Động công bố bán 18.000 chiếc iPhone 13 trong 7 ngày đầu mở bán, thu về 500 tỷ đồng. Mức doanh số này tăng gấp 2,5 lần so với năm 2021. Tổng số đơn đặt hàng hệ thống này nhận được trong chương trình preorder lên đến 43.000 lượt, trong đó có 34.000 khách đã đặt cọc.
FPT Shop – nhà bán lẻ lớn thứ 2 thị trường – cho biết bán ra hơn 25.000 máy trong 2 tuần đầu tiên, thu về gần 800 tỷ đồng. Thậm chí, đơn vị này tự tin bán ra 80.000 máy cho đến tháng 12.
Đây đều là những con số kỷ lục về doanh số mở bán một mẫu iPhone nói riêng và toàn thị trường smartphone nói chung tại Việt Nam – cho thấy sức hút của iPhone 13 là cực kỳ lớn.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường iPhone tại Việt Nam đã "trưởng thành" một cách vượt bậc trong vài năm qua. với 2 "chỉ báo" quan trọng.
Thứ nhất, hàng xách tay đã được "dọn dẹp" một cách gần như sạch sẽ. Trong các giai đoạn trước đây, tỷ lệ bán iPhone chính hãng và xách tay thường được duy trì ở mức 50:50, thậm chí hàng xách tay có phần nhỉnh hơn. Chẳng hạn, theo một thống kê không chính thức vào năm 2019, có khoảng 1 triệu chiếc iPhone chính hãng được bán tại Việt Nam trong khi số lượng hàng không chính ngạch lên đến 1,2-1,3 triệu chiếc.
Trong khi đó ở thời điểm hiện tại, iPhone xách tay gần như không có đất sống. Về cơ bản, số máy xách tay bán ra chỉ bằng khoảng 1/10 trước kia, thậm chí thấp hơn. Đa phần các hệ thống bán lẻ có chút tiếng tăm tại Việt Nam đều đã ký thoả thuận với Apple hoặc đối tác phân phối của Apple để trở thành đại lý chính thức kinh doanh iPhone – đồng nghĩa phải "đoạn tuyệt" với máy xách tay. Thời điểm này, chỉ có một số ít đơn vị nhỏ kinh doanh nhỏ lẻ còn bán iPhone xách tay, tập trung mạnh vào giai đoạn máy mở bán ở thị trường quốc tế để tận dụng nhóm khách hàng muốn sở hữu máy sớm.
Bước ngoặt khiến iPhone xách tay bị loại bỏ khỏi thị trường, ngoài một số chính sách thắt chặt của thị trường, đến từ đại dịch Covid khi việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia trong giai đoạn 2020-2021 khiến cho nhóm hàng xách tay gần như "tê liệt".
Các hệ thống bán lẻ chuyên biệt sản phẩm Apple đang vươn mình mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy doanh số iPhone.
Thứ 2 chính là sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi cửa hàng chuyên biệt kinh doanh sản phẩm Apple. Trước đây, F-Studio của FPT Retail được xem là cái tên đáng chú ý nhất ở phân khúc này nhưng trong năm 2021, hàng loạt chuỗi bán lẻ khác đã công bố gia nhập thị trường. Thế Giới Di Động đã khai trương chuỗi Top Zone vào cuối năm 2021 với kế hoạch mở đến 50 cửa hàng đến hết quý I năm nay. Chuỗi Mono Store tại Việt Nam – được coi là Apple Store thu nhỏ - còn có sự tham gia của Shop Dunk, cũng với kế hoạch mở khoảng 50 cửa hàng trong năm 2022. Một số đại lý uỷ quyền của Apple như CellPhoneS hay Minh Tuấn Mobile cũng xác nhận kế hoạch sẽ mở Mono Store.
Theo đại diện các hệ thống bán lẻ lớn, việc hàng xách tay được dọn dẹp, chuỗi cửa hàng chuyên biệt được nhận rộng sẽ là tín hiệu quan trọng để Apple cân nhắc đến việc mở Apple Store tại Việt Nam. Thực tế, đã có những đồn đoán về việc ông lớn công nghệ này đang có những bước chuẩn bị quan trọng cho việc mở cửa hàng bán lẻ cấp cao nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với sự kín tiếng thường thấy của Apple, có thể phải đến khi mọi công đoạn chuẩn bị được hoàn tất, các thông tin chi tiết hơn mới được hé lộ.