Dù có thâm niên hoạt động lâu hơn khi NTP thành lập từ năm 1960 và 37 năm sau đó BMP mới xuất hiện, nhưng trong suốt 10 năm trở lại đây NTP luôn lép vế trước BMP khi nhắc đến lợi nhuận.
Kể từ năm 2011, khi chính thức bị BMP vượt qua về lợi nhuận sau thuế, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận của NTP trì trệ và để cho đối thủ tiến xa hơn. Đến năm 2016, lợi nhuận sau thuế của BMP bỏ xa NTP gần 230 tỷ đồng. Năm 2017, NTP vượt được BMP nhưng khoảng cách giữa hai doanh nghiệp chỉ là 28 tỷ đồng và ngay sau đó, công ty đã không giữ được lợi thế của mình khi để BMP vượt lên. Cho đến tận nay, sau 10 năm, lợi nhuận của NTP đã vươn lên vượt trội so với BMP. Trong năm 2021, NTP thu về 465 tỷ đồng, tăng 4%, còn BMP thu về 214 tỷ đồng, giảm 59% so với năm trước. Như vậy, trong năm nay, lợi nhuận sau thuế của NTP lớn hơn gấp đôi BMP.
Nguyên nhân khiến cho BMP có cú trượt dài trong năm nay là vì thị phần chính của BMP là ở miền Nam, do chính sách giãn cách xã hội và các khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của BMP bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ tháng 7. Đặc biệt, hầu hết các dự án xây dựng đã bị tạm ngưng trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 tại các thị trường trọng điểm như TPHCM và Bình Dương. Do đó, sản lượng tiêu thụ trong quý III của BMP giảm đến 58% xuống còn 11.000 tấn. Trong bối cảnh đó, nhu cầu sản phẩm yếu nhưng giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao, giá hạt nhựa PVC bình quân hàng quý tăng 7,3%. Vì vậy, kết quả kinh doanh của BMP sa sút nghiệm trọng, thậm chí trong quý 3, lợi nhuận sau thuế của BMP đã ghi nhận mức âm 26 tỷ đồng.