Ở phiên giao dịch ngày 12/7, đồng euro đang dao động gần ngang với đồng USD. Đồng tiền chung của eurozone sụt giảm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng đang diễn ra và những rủi ro đối với nền kinh tế tiếp tục ảnh hưởng.
Vào lúc 15 giờ 36 (giờ Hà Nội), đồng euro giảm 0,3%, giao dịch quanh mức 1,0002 USD. Mối lo ngại về vấn đề suy thoái đã trở nên căng thẳng hơn trong những tuần gần đây, do những bất ổn về kế hoạch tăng nguồn cung năng lượng của khối, cùng với đó là việc Nga cảnh báo có thể tiếp tục siết van dòng chảy khí đốt đến Đức và các khu vực khác của EU.
Trong khi đó, chỉ số Dollar Index – theo dõi đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền tệ khác, tăng 0,4% lên 108.225 khi trước đó đã leo lên 108.47 – mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2002. Trong năm nay, đồng USD đã tăng giá mạnh trong bối cảnh Fed tích cực nâng lãi suất để kìm cương lạm phát. NHTW Mỹ đã tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản hồi tháng 6 và đây là mức nâng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết châu Âu đã chuẩn bị tinh thần cho việc Nga tạm khóa dòng chảy khí đốt trong 10 ngày. Theo đó, nhiều người lo ngại rằng Nga có thể sẽ khóa van hoặc giảm một lượng khí đốt lớn cung cấp cho châu Âu.
Ngoài ra, những dự báo về suy thoái kinh tế ngày càng được nhiều chuyên gia chia sẻ. Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc NHTW châu Âu (ECB) có thể thắt chặt chính sách tiền tệ đủ mạnh tay để kiềm chế tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục, trong khi không gây tổn hại thêm cho nền kinh tế hay không.
Jeremy Stretch – trưởng bộ phận chiến lược G-10 FX tại CIBC Capital Market, nhận định: "Ngưỡng tâm lý quan trọng này đang gặp nhiều rủi ro ở thời điểm hiện tại." Ông cũng nói thêm rằng, viễn cảnh đồng euro giảm sâu như thế này là phản ánh về những lo ngại suy thoái đang gia tăng ở toàn eurozone. Ngày càng có nhiều người lo ngại về viễn cảnh Nga cắt giảm dòng chảy khí đốt, cùng với đó là ECB cùng nhiều NHTW lớn khác giảm tốc độ thắt chặt chính sách.
Các nhà phân tích tại ING cho biết: "Chúng tôi cho rằng thị trường đang dự đoán Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này sẽ càng thúc đẩy đồng USD tăng giá. Ngoài ra, nhiều cuộc thảo luận về tỷ giá EUR/USD ngang giá và rủi ro rớt giá của euro sẽ kéo dài đã diễn ra. Khả năng diễn biến này xảt ra vào đầu tuần này là khá cao."
Sự chú ý của nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang việc Đức công bố chỉ số tâm lý đối với nền kinh tế (ZEW) tháng 7. Theo dự kiến, ZEW sẽ suy yếu đáng kể do nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng trưởng chậm lại.
Ngoài ra, tỷ giá USD/JPY cũng giảm xuống mức 137,38 sau khi chạm mức cao nhất trong 24 năm là 137,75 vào hôm 11/7, sau khi Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cam kết giữ nguyên lập trường theo đuổi chính sách tiền tệ được nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế. Tỷ giá GBP/USD giảm 0,2% xuống 1,1865, khi trước đó rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm là 1,1847.
Tổng hợp