Đây là luật đầu tiên được 100% số đại biểu có mặt tham gia trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV bấm nút thông qua.
Trước đó, báo cáo giải trình trước Quốc hội về Luật Kinh doanh bảo hiểm cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ: "Tư vấn bảo hiểm với tư cách là một dịch vụ phụ trợ bảo hiểm độc lập có sự khác biệt so với việc tư vấn bán sản phẩm bảo hiểm do đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Tư vấn bảo hiểm liên quan tới những vấn đề phức tạp như quản trị rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất…, do đó, đòi hỏi cá nhân cung cấp dịch vụ phải có trình độ chuyên môn cao".
Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, quy định về trình độ chuyên môn của cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm đã được chỉnh lý như thể hiện tại điểm b khoản 1 Điều 93b của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, cá, nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải trên 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm.
"Trường hợp không có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp ở trong nước hoặc nước ngoài cấp", luật nêu rõ.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa nhiều điểm theo sự đóng góp của của các đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận trước. Đây là luật được sửa đổi để đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi tham gia CPTPP.