Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nước chủ nhà của Hội nghị năm nay, đã quyết định từ bỏ nghi thức truyền thống bởi "những khủng hoảng dân chủ vô cùng sâu sắc". Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1975, thời điểm G7 bắt đầu họp, hội nghị kết thúc mà không có tuyên bố chung. Điều này phản ánh sự rạn nứt sâu sắc giữa nguyên thủ 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nói chuyện với các phóng viên trong cuộc họp báo trước hội nghị G7 ở Paris hôm 21/8, Tổng thống Macron cho biết nỗ lực để có một tuyên bố chung trong cuộc gặp lần này có thể là một hành động "vô nghĩa". Ông dẫn chứng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định mang tính bước ngoạt về biến đổi khí hậu, trong đó giảm khí thải toàn cầu, như một ví dụ điển hình cho sự khó có thể thống nhất trong các nhà lãnh đạo G7.
Như thường lệ, Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ. Nó diễn ra tại thị trấn ven biển Biaritz ở tây nam nước Pháp từ ngày 24-26/8.
Việc có được một tuyên bố chung sau cuộc gặp hàng năm của lãnh đạo 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày càng khó khăn trong những năm gần đây. Một trong những lý do tới từ việc Tổng thống Mỹ muốn thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương thay vì các hiệp định đa phương.
Ông Agathe Demarais, Giám đốc phụ trách dự báo toàn cầu của Economist Intelligence Unit (EIU), nhấn mạnh: "Không thể đoán trước những gì mà Mỹ sẽ làm. Chúng ta có thể gặp phải những quyết định bất ngờ từ ông Trump".
Trong vai trò nước chủ nhà, Pháp muốn tranh một hội nghị G6+1 khác. Năm ngoái, tại Ottawa, Canada, Tổng thống Trump đã khiến mọi việc trở nên hỗn loạn với quyết định của mình. Ông Trump bỏ về sớm, từ chối ký vào bản tuyên bố chung, thậm chí còn có những lời chỉ trích cá nhân với Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau về vấn đề thương mại.
Ở Hội nghị năm ngoái, ấn tượng đọng lại với cả thế giới là bức ảnh xuất hiện trên tài khoản Instagram của Thủ tướng Đức Angela Markel, trong đó ông Trump ngồi giữa "vòng vây" của các nhà lãnh đạo khác trong tư thế khoanh tay trước ngực. Nó là minh chứng rõ rệt nhất cho sự chia rẽ của G7.
"Từ góc nhìn của người Pháp, rõ ràng họ muốn tranh G7 năm nay không trở thành một mớ hỗn độn như những gì diễn ra ở Canada một năm trước", ông Constantine Fraser, chuyên gia phân tích chính trị châu Âu, chia sẻ.
Năm ngoái, chính truyền thông Pháp cũng nói rằng Hội nghị G7 tại Ottawa thực chất chỉ là G6+1. Việc Mỹ từ chối ký vào bản tuyên bố chung được dùng làm dẫn chứng cho điều đó.