Đến ngày 7/10, vấn đề nâng trần nợ công vẫn bế tắc khi các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện kiên quyết phản đối dự luật nâng trần nợ công do đảng Dân chủ đề xuất.
Cùng ngày, ông Biden đã gặp mặt một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ để tìm cách tháo gỡ. Ông kêu gọi: "Hãy bỏ phiếu và chấm dứt tình trạng lộn xộn này trong ngày hôm nay, đó là cách duy nhất để loại bỏ những rủi ro cho nền kinh tế của chúng ta".
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đến ngày 18/10 tới, nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công hoặc tạm gỡ bỏ mức giới hạn thì Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ lần đầu tiên trong lịch sử bị vỡ nợ. Điều này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ.
Bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết: "Đây sẽ là một hậu quả thảm khốc, nếu Quốc hội không có hành động để nâng giới hạn nợ, số dư tiền mặt của kho bạc sẽ không đủ để thanh toán các hóa đơn của quốc gia".
Nâng trần nợ công là một vấn đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ trong nhiều năm. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa hiện phản đối kế hoạch gồm hai gói chi tiêu khổng lồ trị giá 1,2 nghìn tỉ USD và 3,5 nghìn tỉ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy an sinh xã hội.
Các nhà lập pháp Mỹ đều khẳng định sự cần thiết về nâng trần nợ công để tránh gây ra biến động kinh tế, thế nhưng chưa một thỏa thuận nào được đưa ra do bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa về cách thức nâng giới hạn nợ.