FTAP - cổng thông tin điện tử về các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam vừa được khai trương sau gần 2 năm làm việc tích cực của Bộ Công thương và Ngân hàng Thế giới, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn/
"Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường cải thiện môi trường thương mại quốc tế của đất nước và hỗ trợ mục tiêu tạo thuận lợi và tăng cường các hoạt động thương mại quốc tế của Chính phủ", bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank), nhìn nhận.
Ý tưởng về Cổng thông tin điện tử FTA ra đời từ mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế của nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, và cụ thể là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Úc đều là các bên tham gia ký kết và có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Hiệp định CPTPP có nhiều cam kết tiếp cận thị trường đầy tham vọng về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, dịch chuyển lao động và mua sắm của chính phủ. Hiệp định này cũng bao gồm nhiều chương liên quan đến hợp tác kỹ thuật trong thương mại giữa các nước thành viên của CPTPP, trong đó có cả vấn đề doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP, và nói chung là các hiệp định thương mại tự do, về bản chất rất phức tạp. Thách thức đối với Chính phủ là làm thế nào để đơn giản hóa và hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu được những lợi ích mà các hiệp định thương mại có thể mang lại cho họ để doanh nghiệp có thể tận dụng những ưu đãi này.
"Cổng thông tin điện tử FTA mà chúng ta khai trương hôm nay cung cấp thông tin chi tiết và hỗ trợ về Hiệp định CPTPP, cũng như Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) mới được thông qua gần đây. Dần dần sẽ có thêm nhiều FTA được bổ sung vào Cổng thông tin điện tử này để cung cấp một trang web toàn diện và duy nhất, bao gồm mọi thông tin về các FTA", bà Carolyn chia sẻ.
World Bank nhìn nhận, lợi ích lớn nhất của Cổng thông tin điện tử FTA là cung cấp cơ sở dữ liệu để mọi người có thể tìm kiếm thông tin về thuế quan mà chính phủ các nước đối tác áp dụng nhằm xác định mức thuế suất ưu đãi, số liệu thống kê về thương mại theo ngành hàng, thông tin chi tiết về các biện pháp và yêu cầu đối với nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ hoặc đầu tư.
Cổng thông tin điện tử cũng cung cấp một công cụ tương tác để giúp các doanh nghiệp xác định xem một sản phẩm nhất định có đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ hay không, và quy trình cần thiết để đáp ứng những yêu cầu về chứng nhận là gì.
Nói một cách tổng thể, đây là một kho tàng các bài viết về FTA được phân chia theo nhiều loại hình như tin tức, sự kiện, các khóa đào tạo, và các trường hợp thực tế…
"Kinh nghiệm đối với những cổng thông tin điện tử về thương mại ở các quốc gia khác đã cho chúng tôi biết rằng các trang web thành công nhất là những trang nhận được mức độ tương tác cao từ người dùng. Do đó, thành công của Cổng thông tin này ít nhất sẽ một phần phụ thuộc vào sự nhiệt tình và gắn bó của người dùng", Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam chia sẻ.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, trong đó có 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA.