Tại sao lại xảy ra hiện tượng lan đột biến với cái giá “trên trời” như trên? Phía sau câu chuyện lan đột biến có gì bất thường, cần cảnh báo hay không?
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội các ngành Sinh vật Việt Nam xung quanh câu chuyện này.
Cơn sốt lan đột biến xuất hiện và lan nhanh trong xã hội đã gây một hiện tượng mua bán với cái giá “trên trời”. Giá 1 cây lan đột biến đã bị thổi đến mức không tưởng – tức là lên tới vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều người thắng lớn từ lan đột biến, nhưng cũng có rất nhiều người đang lâm vào khốn cùng khi mua lan với cái giá khủng giờ không bán được. Gần đây nhất, một chủ lan đột biến ở Hà Nội bị tố ôm hàng trăm tỷ bỏ trốn.
Tại sao lại xảy ra hiện tượng lan đột biến với cái giá “trên trời” như trên? Phía sau câu chuyện lan đột biến có gì bất thường, cần cảnh báo hay không? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội các ngành Sinh vật Việt Nam xung quanh câu chuyện này.
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng. |
PV: Thưa Giáo sư, gần đây giá lan đột biến giao bán hàng trăm tỷ đồng một cây, người dân không hiểu “đột biến” là như thế nào. Xin ông giải thích rõ hơn về điều này?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Người ta gọi lan đột biến là "lan var". Tôi hiểu ý họ muốn dùng chữ "variation" – đây không phải đột biến mà là biến dị. Tức là sự khác biệt giữa các con với nhau hoặc với cha mẹ, hoặc giữa các cá thể trong quần thể, hoặc trong một gia đình khác biệt đi gọi là biến dị. "Đột biến" trong tiếng Anh dùng chữ "mutation", có nghĩa là bất kỳ sự thay đổi di truyền nào có thể phát hiện được trong vật chất di truyền mà không do tái tổ hợp nhiễm sắc thể gây nên. Việt Nam có 2 vạn loài lan thuộc 29 tông và 7 phân họ, số lượng rất lớn nên các nhà khoa học Mỹ và nhiều nước khác đến tìm hiểu về các loài lan ở nước ta. Trong 2 vạn loài lan trong thiên nhiên, có thể có đột biến. Đột biến do tác động của môi trường, may mắn ra chủng hoa đặc biệt, hình dạng đặc biệt, có màu sắc cực kỳ đẹp, sang trọng. Đây là chuyện bình thường, không có gì quá khác lạ.
Hiện nay các chuyên gia về nuôi cấy mô ở Việt Nam rất nhiều, họ đang làm nuôi cấy mô các cây phong lan thương mại. Tại sao phong lan thương mại nhiều thế, đó là do nuôi cấy mô. Tôi đã trao đổi với GS Nguyễn Quang Thạch, chuyên gia đầu ngành nuôi cấy mô, ông có nói: “Một chủng lan mà nhân lên hàng nghìn do nuôi cấy mô quá dễ. Nhưng chẳng có ai đưa lan đột biến cho nhà khoa học để nuôi cấy mô”.
Công an Hòa Bình vừa phá chuyên án bắt 5 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mua bán giao dịch hoa phong lan. |
PV: Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về sinh học, ông có thấy hiện tượng giá lan đột biến đắt như thế là bình thường hay không?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Sở dĩ lan biến dị bán với cái giá chục tỷ, trăm tỷ là bởi họ đưa ra các chủng tên rất hay như: Lan năm cánh trắng Pleiku, năm cánh trắng cờ đỏ, năm cánh trắng đại cát, thảo chi, hồng chương chi, năm cánh trắng Phú Thọ, năm cánh trắng HPR, năm cánh trắng Phú Quý, năm cánh trắng Bạch Tuyết... Và đặc biệt là năm cánh trắng Bảo Duy. Phải nói là đẹp, nhưng chẳng khác nhau mấy, khó phân biệt những cái tên đó và tự nhiên tăng giá tiền lên rất cao. Ví dụ, như cây lan 300 tỷ đồng của người chơi ở Quảng Ninh; hay cây lan Ngọc Sơn Cước 250 tỷ đồng của đại gia Hải Phòng; rồi đến cây lan 200 tỷ đồng của một đại gia ở Hòa Bình... Gần đây, tôi còn nghe nói giá cây lan đến 400 tỷ. Với cái giá này là không bình thường, trên thế giới không có. Về khía cạnh kinh tế, cơ quan nào có chức năng kiểm định, cấp giấy chứng nhận hay công nhận về giá trị thị trường tiền tỷ của những cây lan đột biến, hay đó chỉ là cách gây chú ý trong thời đại truyền thông xã hội nhiễu loạn?
Theo tôi đây là kinh doanh đa cấp. Những người ban đầu đưa ra những cam kết và bằng chứng, họ đưa lên youtube hình ảnh đang đếm hàng đống tiền, rất hấp dẫn. Nhiều người muốn giàu nhanh, không có tiền thì lấy sổ đỏ vay ngân hàng thế chấp, mong rằng giống người kia mua 1 tỷ bán 2 tỷ, thu lãi nhanh. Phải nói là nhiều người thắng thật, trong quá trình từ 1 tỷ nhân lên nhiều người thu được nhiều tiền. Nhưng cây lan đến hàng trăm tỷ không bán được thì đương nhiên thua lỗ, mất nhà. Những người mua lan với giá cao khó bán lại lắm, lên đến vài trăm tỷ dễ gì mà bán được. Cho nên những người phía sau là những người thiệt.
PV: Với mức giá hàng chục tỷ đồng một cây lan đột biến, điều đó có xứng đáng với giá trị của loài hoa này hay không, thưa Giáo sư?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Vấn đề đặt ra ở đây là lan đột biến đó có quá quý không? Tôi cho là không quá quý bởi lan đó chơi được bao nhiêu ngày? Lan biến dị không dễ dàng tồn tại mãi, nhân giống cũng không phải là chuyện dễ dàng. Những người trồng lan bình thường bán được vài chục nghìn, vài trăm nghìn là cùng. Nhưng lan đột biến người ta cứ đồn là quý lắm. Lúc đầu bán 1 tỷ, sau đó bán 2 tỷ, sau tăng lên 4 tỷ và đến hàng chục, hàng trăm tỷ… Đây gọi là hiện tượng “bong bóng”, nổi lên rồi vỡ, không tồn tại lâu được.
PV: Thời gian qua đã có nhiều vụ giao dịch ngầm mua bán lan đột biến với những hợp đồng hàng chục tỷ, vậy những giao dịch này có phải là trốn thuế không, thưa ông?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Khi đã có hợp đồng mua bán vài trăm tỷ thì phải đóng thuế thu nhập. Trường hợp được miễn thuế thì phải có quy định, nhưng trường hợp mua bán lan đột biến này chưa thấy có điều khoản nào để được miễn thuế. Người ta có lý luận, trong nông nghiệp cái gì trồng ra, chăn nuôi được thì không phải đóng thuế. Nhưng làm ra được thì phải trồng trọt, chăn nuôi chứ không phải buôn bán. Trường hợp này phải đóng thuế thu nhập nên tôi nghĩ hiện tượng mua bán lan đột biến giá khủng này không kéo dài được lâu. Do phải đóng thuế nên người ta không hào hứng nữa, gần đây phong trào mua bán lan đột biến cũng không rộ lên như trước nữa.
PV: Qua hiện tượng “bong bóng” lan đột biến, ông thấy có những bài học gì cần rút ra?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Trong thời gian vừa qua có người giàu lên vì lan đột biến, nhưng nó là số ít và rất nguy hiểm, nếu may thì trót lọt được giai đoạn đầu, còn không nếu ở giai đoạn cuối thì thua lỗ, nợ nần… Trong vụ việc này, khi hiện tượng lan đột biến mới nổi lên, nhẽ ra chúng ta phải có những khuyến cáo ngay. Đáng lẽ cơ quan quản lý khoa học phải vào cuộc, phải lên tiếng rằng lan đột biến không lạ, các nhà khoa học có thể nuôi cấy mô nhân giống, chắc chắn kịp thời ngăn chặn hiện tượng “bong bóng” thổi giá “đột biến” như vừa qua. Chúng ta có Bộ Khoa học và Công nghệ, có Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, có Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ, có các trường đại học, tôi nghĩ đáng lẽ phải lên tiếng sớm. Trong trường hợp này phải có bài báo đề nghị các cơ quan trên vào cuộc để họ có cơ sở. Tất cả những vấn đề gì xảy ra đều là những bài học và bài học này có thể rút ra cho việc khác, bởi sẽ còn có những “đột biến” nữa xảy ra.
Một lần nữa tôi nhấn mạnh, nước ta là nước khoa học phát triển, chúng ta có trí thức, có các hội khoa học, không hội nào không có đông người tham gia và có nhiều phòng thí nghiệm. Nhất là về sinh học chúng ta không thiếu chuyên gia để đóng góp ý kiến. Chúng ta nên rút kinh nghiệm chuyện này để những chuyện sau không xảy ra nữa.
PV: Qua sự việc lan đột biến lần này, ông có khuyến cáo gì cho người dân?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi muốn nói với người dân không nên tin vào chuyện làm giàu chỉ trong một đêm, càng đừng vì ham giàu nhanh mà tham gia vào vụ mua bán lan đột biến này. Mỗi nước có một đặc sản riêng, có điều kiện để phát triển đặc sản đó. Chúng ta hãy dựa trên những gì là đặc sản của Việt Nam để làm giàu, chứ đừng “mơ mộng” trong một đêm mà có thể làm giàu lên được. Tôi chỉ ví dụ như Sơn La là một tỉnh miền núi, chỉ một thay đổi là lãnh đạo tỉnh quyết tâm chuyển vườn nhà thành vườn xuất khẩu, mà giờ đây sản lượng nhãn của Sơn La nhiều hơn Hưng Yên, xoài của Sơn La nhiều như Nha Trang, thu nhập của người dân tăng vọt, trở thành một tỉnh xuất khẩu hoa quả.
Việt Nam là nước đã bước đầu có khoa học phát triển, chúng tôi có Hội các ngành Sinh học Việt Nam, có đầy đủ các phòng thí nghiệm, có đông đảo đội ngũ chuyên gia nuôi cấy mô cây phong lan nhiều năm, đầy kinh nghiệm như ngoài Bắc có GS Nguyễn Quang Thạch (Học viện Nông nghiệp), phía Nam có TS. Dương Hoa Xô ở Trung tâm Công nghệ nông nghiệp TP Hồ Chí Minh. Người dân muốn làm giầu từ lan đột biến thì cộng tác với các nhà khoa học để nhân lên rất nhiều giống lan quý đó, để cho nhiều người sử dụng. Nếu nhân lên bằng nuôi cấy mô thì giá rẻ lắm, nó giống như giá lan bán trên thị trường lâu nay.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
(Theo Công An Nhân Dân)