Là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương với tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập hơn 10.000 USD/năm dự tăng từ 12% năm 2016 lên 17% năm 2021 (theo Economist Intelligent), đi cùng cơ cấu dân số vàng (hơn 40% có tuổi dưới 40)… Việt Nam đang là điểm đến đầy "ma lực" cho các đại gia ngành bán lẻ.
Đặc biệt, mặc dù thuộc Top tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương - chỉ 35%; trong khi ở Phillipines và Thái Lan tỷ lệ này lần lượt là 44% và 53%; song Việt Nam lại có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất, dự đoán hơn 2,6%/năm cho giai đoạn từ 2015-2020. Điều này được ví von là mảnh đất màu mỡ cho ngành bán lẻ.
Tăng trưởng hộ gia đình độc thân tại thành thị
Tốc độ đô thị hoá
Đầu tư vào bán lẻ là đầu tư vào tương lai nền kinh tế Việt Nam
Thực tế cho thấy, quy mô toàn thị trường bán lẻ hiện đã đạt 142 tỷ USD, đóng góp vào 59% GDP cả nước. Với tốc độ tăng trưởng luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước và tỷ trọng lớn trên tổng GDP, đầu tư vào bán lẻ theo giới chuyên gia chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế Việt Nam.
Hiện, thị trường bán lẻ chia làm 8 phân khúc chủ yếu: (1) Đại siêu thị/trung tâm phân phối, (2) trung tâm thương mại, (3) trung tâm mua sắm phức hợp, (4) siêu thị, (5) siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, (6) siêu thị điện máy, (7) bán lẻ trực tuyến và (8) bán hàng qua truyền hình.
Nguồn: Báo cáo Chứng khoán MB.
Trong đó, với quy mô nhỏ cũng như nhanh chóng có nguồn thu thông qua phục vụ nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi chứng kiến làn sóng startup của nhiều "tay chơi" nhỏ lẻ; song hành với hàng loạt tên tuổi đình đám như 7- Eleven, CircleK, GS25, Lawson... hay các thương hiệu trong nước như Vinmart+, Co.op Food, Satrafood, Bách Hóa Xanh.
Tuy nhiên, áp lực rất lớn từ việc lỗ dài hạn, thậm chí có cửa hàng phải bù lỗ lên đến hàng tỷ đồng, nhiều tên tuổi đã vội "cất bước" ra khỏi cuộc chơi khi chưa kịp được chia thị phần. Đơn cử có cuộc chia tay của Family Mart (chuỗi cửa hàng tiện lợi do liên doanh được thành lập bởi đối tác Nhật Bản - Việt Nam quản lý) sau tiết lộ thua lỗ lớn tại 3 thị trường, bao gồm Việt Nam vào năm 2013.
Cuộc chơi thực sự chỉ dành cho kẻ mạnh vốn!
Âm thầm đến và đi trong cuộc đua ấy, chủ quản thương hiệu nội địa Zakka Mart mới đây đã có chia sẻ với người viết, sau khi bán mình cho "ông lớn". Mức giá nhận về khá hậu hĩnh, "Huge discount!" - vị này nói.
Từng nuôi mộng lớn sau thời gian dài thử nghiệm, Zakka Mart chính thức gia nhập cuộc chơi vào thời gian đầu năm 2018 với kế hoạch mở rộng hàng chục cửa hàng, tập trung tại phân khúc khu dân cư, các toà nhà chung cư.
Dĩ nhiên vấp phải sự hoài nghi bởi "vết xe đổ" của nhiều người đi trước, chủ quản thương hiệu này vẫn hoàn toàn tự tin với phân khúc khách hàng những người trẻ độc thân, dân văn phòng với thói quen mua sắm tiết kiệm thời gian… Chọn diện tích trung bình, Zakka Mart hướng đến bán thực phẩm tươi sống, thậm chí có nguồn tự cung để tăng tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm.
Hình ảnh thương hiệu Zakka Mart.
Nắm trong tay bài toán tài chính khá hoàn chỉnh, Zakka Mart sau đó cũng "vật vã" cân đo đong đếm khi chi phí mặt bằng tăng nhanh chóng mặt, lượng điện tiêu thị tăng 100% sau gần 5 năm… trong khi biên lãi ngày càng thu hẹp do tính cạnh tranh ngày càng lớn. Kết quả, đến giữa năm 2018 cũng phải chuyển nhượng cho doanh nghiệp đủ lớn mạnh về vốn, quy mô.
"Bán lẻ hơn nhau ở quy mô, thị phần. Thị trường thực sự không thích hợp cho nhà đầu tư nhỏ hay cá nhân, đó là cuộc chơi của những công ty lớn mạnh vốn", đại diện hãng phân trần.
Cùng tham vọng "chia phần" miếng bánh cửa hàng tiện lợi màu mỡ, tháng 4/2019 chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go đã chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Công ty VinCommerce chỉ với giá 1 USD gây nhiều chú ý.
"Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai thác nhưng cạnh tranh rất khốc liệt chứ không đơn giản như hình dung của chúng tôi, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui", đại diện Shop&Go nói.
Bước vào thị trường đầy khốc liệt là điều mỗi startup đều biết rõ, tuy nhiên thực tế có lẽ đi quá sức tưởng tượng của nhiều người, đặc biệt áp lực chi phí tăng bằng lần đẩy sự cạnh tranh gom về những đơn vị "trường vốn".
Ghi nhận, tính riêng chi phí thuê mặt bằng, tốc độ gia tăng bình quân hiện lên đến 300-400% so với 3-5 năm trước đây. Tại Tp.HCM, giá thuê trung bình tại các vùng ven ngoại ô thành phố (Gò Vấp, Bình Thạnh…) hiện đã chạm mức 50 triệu đồng/tháng, muốn có vị trí "đẹp" thậm chí phải móc hầu bao đến 100 triệu đồng/tháng.
Những luận điểm trên phần nào giải thích cho việc chiếm lĩnh phân khúc siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng của "tay chơi" ngoại, khi hội đủ các điều kiện vốn, năng lực quản lý, công nghệ, quy mô…
Mặc dù vậy, sinh sau đẻ muộn nhưng Vinmart đang ráo riết chạy đua mở mới cửa hàng, song song M&A các thương hiệu hiện có (nhưng bỏ cuộc) với số lượng ngày càng áp đảo. Điều này kỳ vọng một sân chơi nội – ngoại bình đẳng trong công cuộc đầu tư vào tương lai nền kinh tế Việt Nam, giới quan sát cho hay.