Các báo cáo về tình hình đầu tư vào các start-up dồn dập trong thời gian qua cho thấy, đến hết năm 2020, logistics và bất động sản là hai lĩnh vực thu hút vốn đầu tư chỉ sau các ngành "hot" như thanh toán, bán lẻ, giáo dục, dịch vụ tài chính, tự động hóa kinh doanh.
Đơn cử từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận một số vụ rót vốn đầu tư vào start-up lĩnh vực logistics như Dương Minh Logistics gọi 15 triệu USD hay EcoTruck vừa nhận thêm 2 triệu USD từ STIC Ventures (Hàn Quốc).
Cuối năm 2020, EcoTruck cũng đã nhận hơn 100 tỷ đồng từ một nhóm nhà đầu tư do VNG dẫn đầu. EcoTruck đang quản lý hơn 300 đối tác nhà xe với hơn 9.000 xe đầu kéo và xe tải các loại, phục vụ hơn 500 khách hàng là các doanh nghiệp có nhu cầu vận tải. EcoTruck đã vận hành xuyên suốt từ Bắc đến Nam và có nhiều tuyến hàng xuyên biên giới.
Một start-up trong lĩnh vực này của Việt Nam là Abivin từng vượt qua hơn 30.000 công ty trên toàn cầu, để trở thành nhà vô địch cuộc thi Start-up World Cup diễn ra tại Mỹ và giành giải thưởng 1 triệu USD…
Logistics ở Việt Nam cũng như các khu vực châu Á là một thị trường rất tiềm năng phát triển, hút đầu tư.
Ở khu vực Đông Nam Á cũng đang ghi nhận làn sóng đầu tư vào start-up logistics trong thời gian qua. Từ đầu năm 2020 tới nay, đã có 43 thương vụ với 3,2 tỷ USD đổ vào các start-up logistics của khu vực này. Tháng 4/2021, J&T Express (Indonesia) huy động được 2 tỷ USD. Trước đó, một công ty logistics chặng cuối khác của Indonesia là SiCepat cũng vừa nhận được 170 triệu USD vốn đầu tư hồi tháng 3…
Mới đây nhất, ngày 18/5, sau khi tuyên bố sáp nhập và đặt tên là GoTo, Gojek và Tokopedia cho biết sẽ hợp tác trên 3 lĩnh vực, trong đó ưu tiên logistics và Việt Nam là một trong những thị trường lớn.
Logistics đang trở thành một trong những lĩnh vực bắt đầu thu hút được sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư. Đại diện start-up Abivin đánh giá, logistics ở Việt Nam cũng như các khu vực lân cận là một thị trường rất tiềm năng, chưa được áp dụng nhiều công nghệ tiến tiến.
Tuy nhiên, hiện nay chi phí phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao do cơ sở hạ tầng chưa phát triển và việc vận hành logistics còn nhiều khâu thủ công, đặc biệt ở trong khâu vận tải (chiếm phần lớn trong chi phí vận hành logistics).
Chia sẻ với VnEconomy, một chuyên gia trong lĩnh vực này phân tích, ở những nước phát triển như Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, Mỹ…, chi phí cho logistics chỉ chiếm khoảng 8-10% GDP, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam khoảng 20%. Nếu phát triển đến mức chỉ chiếm khoảng 5-7% thì đó là một thị trường lớn hàng chục tỷ USD.
Theo Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam Lê Hàn Tuệ Lâm, logistic là thị trường rất lớn, tiềm năng lên đến vài chục tỷ USD và nhiều đơn vị muốn làm. Không chỉ năm nay mà trong những năm tiếp theo, các mảng này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty Smartlog cho biết, hiện có những nhà đầu tư đang quan tâm tìm hiểu các đơn vị logistics như Smartlog để rót vốn hoặc hợp tác theo cơ chế Swap (hợp đồng hoán đổi cổ phần)…
Một khía cạnh khiến thị trường trở nên hấp dẫn, tạo động lực tăng trưởng khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Thêm vào đó Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử nhiều tiềm năng và phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và Logistics được dự báo sẽ tiếp tục là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số.
Báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures ghi nhận ngoài thanh toán và bán lẻ nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn, lĩnh vực bất động sản đang được chú ý và đã bắt đầu tăng tốc.
Theo thống kê, đến hết năm 2020, logistics và bất động sản thu hút vốn đầu tư chỉ đứng sau các ngành thanh toán, bán lẻ, giáo dục, dịch vụ tài chính, tự động hóa kinh doanh. Riêng năm 2020, trong khi đầu tư vào start-up nhiều ngành giảm thì số vốn đầu tư vào start-up lĩnh vực bất động sản và hạ tầng lại tăng, đạt khoảng 26 triệu USD, cao hơn năm trước 10 triệu USD.
Từ đầu năm 2021, thị trường đã ghi nhận các thương vụ đầu tư, góp vốn, M&A vào lĩnh vực công nghệ bất động sản (proptech). Gần gây nhất, hồi giữa tháng 5/2021, start-up đặt phòng ngắn hạn Go2Joy nhận 1,3 triệu USD từ SV Investment, nâng tổng cộng vòng gọi vốn series A đạt 6,1 triệu USD. Mấy tháng trước đó, Go2Joy nhận 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Tháng 3/2021, ứng dụng công nghệ bất động sản Citics đã huy động được 1 triệu USD trong vòng pre-series A từ Vulpes Investment Management, Nextrans, The Ventures. Trước đó, Citics đã huy động được 700.000 USD từ các nhà đầu tư thiên thần. Bằng việc số hoá nhiều nguồn dữ liệu phân mảnh, start-up này đặt mục tiêu xây dựng một nền tảng dữ liệu bất động sản toàn diện đầu tiên tại Việt Nam, giúp các giao dịch liên quan đến bất động sản (định giá, mua, bán, thuê, cho vay, đầu tư…) diễn ra liền mạch, nhanh chóng và hiệu quả. Hiện tại, Citics có dữ liệu của hơn 9 triệu bất động sản (nhà đất, căn hộ) ở Việt Nam trong đó đã ước tính giá trị của gần 4 triệu.
Ngoài ra, tháng 2/2021, Cen Land đã hoàn tất thâu tóm 100% nền tảng bất động sản công nghệ Cenhomes.vn, sau khi nhận chuyển nhượng 2,45 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn điều lệ của Cen Homes.
Thị trường proptech tại Việt Nam đã nhanh chóng trở thành lĩnh vực start-up mới nổi với hàng loạt start-up ra đời. Trong năm 2020, đã xuất hiện nhiều thương vụ gây chú ý lớn… Ước tính, thị trường hiện đang có gần 100 proptech hoạt động.
Theo đánh giá của các chuyên gia, công ty Proptech đang đóng góp tích cực vào thị trường bất động sản Việt Nam, với quản lý bất động sản, tiếp thị và bán hàng sẽ là các lĩnh vực trọng tâm. Xu hướng đầu tư Protech tiếp tục tăng.
Tại Việt Nam, trong 2 năm qua, thị trường đã chứng kiến hoạt động sôi nổi của các nhà đầu tư tham gia vào phát triển công nghệ Proptech như nền tảng quản lý tài sản- bất động sản, nền tảng bán hàng và nền tảng định hướng đầu tư fintech khai thác bất động sản...
Đại diện Savills Vietnam cho rằng thị trường proptech của Việt Nam đã tăng được thị phần trong khu vực Đông Nam Á và kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục.
Sự tăng trưởng của proptech trong đại dịch Covid-19 được chỉ ra một phần do tiềm năng rộng lớn của thị trường bất động sản Việt Nam. Thị trường vẫn đang trong giai đoạn non trẻ với rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Proptech có khả năng đưa ra giải pháp khắc phục những vấn đề tồn đọng này.