Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đào tạo để nâng cao kỹ năng lao động và cơ hội việc làm. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Kim, đại diện ManpowerGroup Việt Nam về chủ đề này.
Các doanh nghiệp thường gặp vấn đề gì trong khâu tuyển dụng?
Hiện tại rất nhiều lao động thiếu kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, phối hợp, làm việc nhóm hay giải quyết vấn đề. Trong khi đó, đây là yếu tố mà doanh nghiệp rất cần có ở các ứng viên của mình.
Đặc biệt, ở bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp rất khao khát những ứng viên đáp ứng được 3 yếu tố: kỹ năng cứng – tức là nghiệp vụ, chuyện môn; kỹ năng mềm – tức là những cái tôi đã nói ở trên và kỹ năng số hoá. Kỹ năng hiểu nôm na là việc người lao động quản lý, sử dụng nhuần nhuyễn những công nghệ mà công ty cung cấp.
3 kỹ năng này tập trung trong 1 ứng viên là tương đối khó và là thách thức lớn với doanh nghiệp. Ở một số ngành, thậm chí nhà tuyển dụng còn không có ứng viên. Theo khảo sát của chúng tôi, 10 ngành có nhu cầu tuyển cao nhất toàn cầu bao gồm: thương mại, kỹ sư, IT, kế toán tài chính…
Mặt khác, người lao động cũng thường đưa ra một mức lương cao hơn khả năng thực tế của họ. Nguyên nhân là thị trường tại Việt Nam vẫn chưa được chuẩn hoá, dẫn đến hạn chế các công cụ phổ thông để đánh giá ứng viên. Điều này khiến ứng viên kỳ vọng một mức lương cao hơn thực tế.
Bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam
Như vậy là doanh nghiệp đang phải trả một mức lương không phản ánh đúng năng lực của ứng viên?
Một khảo sát nhỏ trong báo cáo chung về lương của chúng tôi thì với những ngành hot, khó tìm người lao động, doanh nghiệp phải trả lương cao hơn năng lực ứng viên khoảng 20%.
Đối với một số doanh nghiệp đang mở rộng quá nhanh, cần nhân lực gấp, họ thậm chí sẵn sang săn người và trả lương gấp đôi.
Như bà phân tích thì nhu cầu nhân sự tại Việt Nam là rất cao, vậy tại sao thị trường vẫn ghi nhận những nghịch lý cử nhân thất nghiệp?
Thực tế thì nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chỉ tập trung ở một khu vực nhất định. Nó liên quan đến chính sách thu hút đầu tư của mỗi tỉnh. Với những tỉnh mà lượng doanh nghiệp tập trung đông, nguồn cung lao động sẽ khan hiếm và ngược lại. Trong khi đó, chính sách đào tạo lại là bao phủ đồng đều lên tất cả các tỉnh, vùng, miền.
Mặt khác, việc đào tạo cho học sinh, sinh viên cũng đang đòi hỏi thay đổi, cập nhật để phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Vì trong thời đại công nghệ 4.0, mọi thứ đang biến đổi rất nhanh. Đây là khoảng trống giữa cung và cầu cần san lấp.
Hiện một số doanh nghiệp đã tham gia đào tạo, bên cạnh hệ thống các trường đại học, trường nghề. Đây là xu hướng tương đối phổ biến trên thế giới. Một mặt, họ cần làm vậy để có sự đóng góp cho xã hội. Mặt khác, ở góc độ kinh doanh, họ chính là những người được hưởng lợi sau cùng khi hỗ trợ đào tạo nghề.
Một xu hướng lớn hiện nay là việc dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam, điều này có gây áp lực lên thị trường lao động?
Thủ tướng đã công bố tham vọng của Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới và có những chính sách thu hút đầu tư, tất nhiên, việc này sẽ gây áp lực với doanh nghiệp trong việc cạnh tranh thu hút lao động. Nhưng đấy là trong tương lai 10 năm nữa.
Hiện tại, tôi cho rằng đây là động lực chon người lao động nâng cao kỹ năng còn doanh nghiệp chủ động trong việc tiếp cận các ứng viên. Điểm cộng thời điểm này là người lao động đang có cơ hội được tiếp cận nhiều việc làm hơn.
Thống kê của chúng tôi cho thấy hiện một người lao động phổ thông trung bình mỗi ngày đang nhận được 2 thư mời làm việc.
Vậy theo bà, mấu chốt nào để người lao động có thể tồn tại trong nền kinh tế đang biến đổi rất nhanh do 4.0?
Họ không nên chăm chăm học một kỹ năng nhất định nào. Thay vào đó, người lao động cần nâng cao kỹ năng học hỏi để khi xuất hiện bất cứ vấn đề, kiến thức gì mới, họ có thể tiếp thu ngay được. Khả năng học hỏi là thứ quan trọng nhất trong thị trường lao động thời 4.0.
Cảm ơn bà!