Trong khi đó, theo một báo cáo mới nhất của JLL Việt Nam, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bất ổn và có xu hướng tăng trưởng chậm lại, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ổn định với 6,8% trong nửa đầu năm 2019.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18,47 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm, tương đương 90,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn FDI cam kết cho lĩnh vực bất động sản trong 6 tháng đầu năm đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so với con số 5,54 tỷ USD thời điểm cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân giảm là do lượng vốn đăng kí đầu tư bất động sản vào những tháng đầu năm 2018 khá lớn, chủ yếu đến từ hai dự án: Smart City tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư là 4,1 tỷ USD từ tập đoàn Nhật Bản Sumitomo, và dự án Laguna Lăng Cô tại Thừa Thiên Huế với 1,1 tỷ USD vốn đầu tư từ một doanh nghiệp đến từ Singapore.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu của cho rằng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào bất động sản trong nửa đầu năm 2019 vẫn tăng trưởng khả quan khi so sánh với cùng kỳ 2016 và 2017, tương ứng lần lượt là 0,6 tỷ USD và 0,7 tỷ USD.
Cùng với tỷ lệ lạm phát vẫn ổn định ở mức 3% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới ở mức 245 tỷ USD, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn mạnh và được ghi nhận là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã được ký kết gần đây sẽ nâng cao vị thế và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thương mại quốc tế.
Theo đơn vị nghiên cứu này, thị trường bất động sản Việt Nam 2019 bắt đầu với thương vụ M&A của tập đoàn Keppel Land tại dự án Đồng Nai Waterfront. Theo thông cáo báo chí Keppel Land đưa ra vào tháng 1 năm nay, tập đoàn Keppel Land sẽ bán lại 70% cổ phần tại dự án Đồng Nai Waterfront City cho tập đoàn Nam Long với tổng số tiền là 2.313 tỷ VNĐ (tương đương 100,57 triệu USD). Tập đoàn Keppel Land và tập đoàn Nam Long sẽ cùng phát triển khu dân cư rộng 170 ha tọa lạc tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai.
Tập đoàn Keppel Land gần đây cũng đã công bố thông tin về việc mua lại 3 khu đất tại TPHCM. Thông qua công ty con, tập đoàn Keppel Land đã ký kết hợp đồng mua bán có điều kiện với tập đoàn bất động sản Phú Long cho 60% cổ phần của toàn khu đất, với tổng số tiền đầu tư là 1.304 tỷ đồng (tương đương 56 triệu USD).
Theo đó, tổng diện tích của ba khu đất là 6,2 ha, thuộc huyện Nhà Bè, mỗi khu đất cách nhau 400 mét và nằm dọc theo tuyến đường huyết mạch Nguyễn Hữu Thọ. Chủ đầu tư có kế hoạch phát triển khu đất với 2.400 căn hộ cao cấp và nhà phố thương mại, dự án sẽ cung cấp khoảng 14.650 m2 không gian thương mại cho khu vực. Tổng chi phí phát triển cho dự án, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến sẽ hơn 7.400 tỷ VNĐ (tương đương 320 triệu USD).
Trong khi đó, Công ty cổ phần Lotte FLC, một liên doanh giữa tập đoàn FLC và công ty Lotte Land (công ty con của tập đoàn Lotte), đã được thành lập với số vốn điều lệ là 556,5 tỷ đồng (khoảng 24,1 triệu USD) để hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Công ty Lotte Land sẽ sở hữu 60% cổ phần của công ty Lotte FLC và phần còn lại sẽ do tập đoàn FLC và các công ty con nắm giữ.
Trước đó, chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã chia sẻ tại cuộc họp cổ đông gần đây rằng liên doanh được thành lập nhằm mục đích phát triển một khu đất rộng 6,4 ha tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Thời gian gần đây, những dự án bất động sản chưa được phát triển hiệu quả hoặc những dự án được giao dịch với giá thấp hơn mức giá thị trường hoặc không thông qua đấu thầu chính thức đang phải qua những quy trình xét duyệt thủ tục khá chặt chẽ của các cơ quan chính quyền sở tại.
Tuy nhiên, JLL Việt Nam kỳ vọng các biện pháp hiện tại sẽ thúc đẩy tính minh bạch được cải thiện, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và thu hút nhiều hơn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam.
Những quỹ đất "sạch" và đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở và thương mại trong khu vực trung tâm hoặc khu vực đã phát triển ngày càng khan hiếm, khiến cho việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư bất động sản chất lượng cũng ngày càng khó khăn.
JLL quan sát thấy một số nhà đầu tư và nhà phát triển đang chuyển hướng mở rộng dấu chân của họ tới các tỉnh lân cận tTPHCM. Nhiều chủ đầu tư nổi bật như tập đoàn Novaland đang phát triển khu đô thị Aqua City tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai. Tập đoàn Nam Long với dự án Đồng Nai Waterfront, và khu đô thị Đại Phước Paragon rộng 45 ha thuộc đảo Đại Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai, được công ty thâu tóm từ năm ngoái.
Mặc dù có nhiều nhà nhà đầu tư mới đang xem xét các khu vực mới nổi này, JLL ghi nhận phần lớn các dự án vẫn được dẫn dắt bởi các nhà phát triển nội địa hoặc quốc tế mà đã thành lập lâu đời tại Việt Nam.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, xu hướng dịch chuyển lĩnh vực sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Các nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm các tài sản công nghiệp và hậu cần, thông qua liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp địa phương hoặc mua lại quỹ đất và các bất động sản đang hoạt động.
Song song đó, chính việc thiếu hụt những tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ những doanh nghiệp trong khu vực đang thúc đẩy tiềm năng của thị trường bất động sản công nghiệp. Chất lượng tài sản, tốc độ tăng trưởng giá thuê, quy mô giao dịch và thời hạn còn lại của quyền sử dụng đất là những yếu tố mấu chốt cho quyết định của nhà đầu tư.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục thể hiện sự quan tâm và những cam kết đối với thị trường bất động sản Việt Nam, qua đó cho thấy những tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường. Mặc dù các hoạt động M&A có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong hai quý còn lại, do thiếu các dự án "sạch" và các dự án sẵn sàng đón nhận đầu tư.
JLL dự báo các biện pháp hiện tại của chính phủ sẽ tác động đến việc cải thiện tính minh bạch trên thị trường, đồng thời sẽ đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam và thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản trong khu vực.
Nói về những thách thức, theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam, vấn đề lớn nhất hiện thời là rào cản với lĩnh vực bất động sản. "Tôi mong muốn Chính phủ quan tâm đến các vấn đề quyền sử dụng đất để có giải pháp, nếu không nó sẽ kéo thị trường xuống và ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài. Sự thay đổi phải mang tính hệ thống. Chuyện này phải giải quyết xong trước khi chúng ta thực hiện làn sóng M&A mới", ông Stephen Wyatt khiến nghị.