Tiếp tục thực hiện chủ trương đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, sáng ngày 25/4/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng với khối lượng đấu thầu dự kiến là 16.800 lượng vàng miếng SJC.
Căn cứ quy định hướng dẫn về hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN và quy trình mua, bán vàng miếng của NHNN, các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan, NHNNN thông báo hủy thầu do chỉ có một (01) đơn vị nộp phiếu dự thầu.
Ngân hàng Nhà nước trưa 25/4 cho biết, phiên phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC hôm nay đã bị hủy.
Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước hôm qua (24/4), phiên thầu sẽ diễn ra vào 9h sáng nay, khối lượng tham gia tối thiểu và tối đa mỗi thành viên là 1.400 - 2.000 lượng, tỷ lệ đặt cọc 10%, tương tự phiên đấu thầu ngày 23/4. Ngân hàng Nhà nước không thông báo mức giá tham chiếu.
Trước đó, phiên đấu thầu đầu tiên lẽ ra diễn ra sáng 22/4 cũng đã bị hủy do "không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc".
Sáng ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm dừng hoạt động này. Tuy nhiên chỉ có hai đơn vị là SJC và ACB quyết định bỏ phiếu trả giá và trúng thầu 3.400 lượng, tương ứng 20% quy mô chào thầu. Phiên thầu đầu tiên bị "ế" 13.400 lượng vàng.
Như vậy, đây là lần thứ hai ghi nhận cơ quan điều hành hủy đấu thầu vàng miếng.
Giới phân tích cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước theo đuổi quan điểm là tăng cung vàng ra thị trường bằng việc tiếp tục đấu thầu vàng, cơ quan này nên giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu mà một đơn vị được phép đặt thầu là xuống 500 lượng, thậm chí 300 lượng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét mức giá cọc, giá sàn cho các đối tượng tham gia đấu thầu. Theo đó, mức giá hợp lý chỉ nên "vênh" từ 3 – 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, thay vì "bám" theo giá mua – bán SJC tại thị trường trong nước như hiện nay. Bởi mức "giá mềm" sẽ hấp dẫn các đơn vị kinh doanh vàng tham gia vào phiên đấu thầu, tăng cung cho thị trường, đảm bảo Nhà nước vẫn có lãi và mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước mới đạt được.
Về lâu dài, GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng cần đánh thuế hoạt động đầu tư vàng, mức thuế suất phải hợp lý để phát triển thị trường vàng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư.
"Mọi hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ ghi nhận giao dịch. Trước đây, hóa đơn được thực hiện bằng bản giấy, kể từ ngày 15/7/2022 được thực hiện bằng hóa đơn điện tử. Ngay cả hoạt động kinh doanh xăng dầu bán lẻ, kể từ ngày 1/4/2024 bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Nếu mua bán vàng mà không thực hiện thì không công bằng với các mặt hàng khác", ông Đạt nói.