Sáng 2/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng chủ trì cuộc họp về số liệu thống kê và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tăng trưởng ở mức có thể, với động lực giải ngân đầu tư công , làm tốt hơn nữa chính sách tài khóa và tiền tệ .
Trong đó, giải ngân đầu tư công được dẫn lại tại cuộc họp với tốc độ có cải thiện trong tháng 7 vừa qua, đạt tốc độ cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Nguồn vốn này, theo Thủ tướng, phải tiếp tục giải ngân thời gian tới, cũng như kết hợp chẽ chẽ thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, kích cầu nền kinh tế.
Thủ tướng cho rằng, cần phải làm tốt hơn nữa chính sách tiền tệ, tài khóa, đó là tiếp tục nới lỏng có kiểm soát. Thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển.
Đây là lần thứ ba trong các cuộc họp gần đây Thủ tướng Chính phủ đặt yêu cầu xem xét lại chính sách tài khóa và tiền tệ, theo hướng nới lỏng có kiểm soát.
Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề xem lại việc duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ như hiện nay có đúng hay không, khi mà nhiều nước bơm tiền, tăng thâm hụt ngân sách để kích thích tăng trưởng.
Và tại cuộc họp nhìn lại tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, Thủ tướng nhận định dư địa chính sách tài chính, tiền tệ còn lớn cho kích cầu; cần tiếp tục xem xét hạ lãi suất, giảm thuế phí.
Cũng tại cuộc họp sáng 2/8, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngồi lại với nhau, rà soát kỹ, thống nhất số liệu. Về số liệu tiền tệ tín dụng và ngân sách Nhà nước, hiện số liệu được ước từ ngày 15-20 hằng tháng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo bổ sung, cập nhật số liệu.
Tại cuộc họp trên, cũng như trong báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm, nhiều dữ liệu được công bố và ước tính chi tiết, tuy nhiên con số tăng trưởng tín dụng vẫn không được đề cập đến.
Về chính sách tiền tệ, sau đợt cắt giảm các lãi suất điều hành từ tháng 5/2020 đến nay, chính sách điều hành được giữ ổn định. Tuy nhiên, có hai chính sách lớn đã được Ngân hàng Nhà nước định hướng thay đổi.
Đó là cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ sớm điều chỉnh, theo hướng mở rộng đối tượng và thời gian hỗ trợ cơ cấu.
Thứ hai là Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giãn lộ trình thực hiện siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trong dài hạn, với hai phương án nới 6 tháng hoặc 1 năm thay vì tiếp tục siết từ tháng 10 tới theo quy định hiện hành.