Qua hai phiên đầu tuần, tỷ giá USD/VND liên tục giảm và lần thứ hai trong tháng chạm ngưỡng 23.200 đồng.
Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt ngày 29/7 ở mức 23.212 VND/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên trước.
Tiếp tục đến ngày 30/7, tỷ giá này tiếp tục sụt giảm xuống còn 23.200 VND/USD, bằng giá mua USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, ngày 12/7 vừa qua, giá USD liên ngân hàng cũng đã rơi nhanh về mốc nói trên. Khi Ngân hàng Nhà nước mua thêm được một lượng ngoại tệ vào dự trữ ngoại hối quốc gia, tỷ giá này bật tăng trở lại.
Tại dòng thông tin khác, gần đây, xu hướng phát hành trái phiếu quốc tế, hút ngoại tệ của các ngân hàng đang bùng nổ. Những thương vụ lớn từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp liên tục xuất hiện.
Gần nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố nghị quyết về giao dịch với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank với tổng giá trị là gần 900 triệu USD. Hay như thương vụ rót 1 tỷ USD vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup của SK Group.
Ở cân đối chung, theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7/2019 xuất siêu 200 triệu USD, tính chung 7 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Như vậy, với diễn biến đang có, nhiều khả năng, nhà điều hành có thể tiếp tục mua vào ngoại tệ. Mua vào ngoại tệ đồng nghĩa với việc bơm ra nền kinh tế mội khối lượng VND tương ứng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục nâng số lượng tín phiếu lưu hành để hút bớt tiền về. Đơn cử ngày 30/7, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 2.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 55.999 tỷ đồng.
Cũng phản ảnh việc nguồn vốn dồi dào, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND vẫn có đà giảm ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống ngoại trừ tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần so với phiên đầu tuần. Giao dịch tại qua đêm 2,73%; 1 tuần 2,88%; 2 tuần 3,05% và 1 tháng 3,35%.