Từ làng biển nghèo với những chiếc tàu gỗ thô sơ, giờ đây, Tam Quan Bắc (Bình Định) là nơi có nhiều "tỷ phú" ngư dân. Tất cả là nhờ nghề câu cá "khủng".
Trò chuyện với Dân trí, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, Bình Định, cho hay, hơn 10 năm trước, phường Tam Quan Bắc chỉ là làng chài nghèo ven biển, cuộc sống người dân còn thiếu thốn, thì giờ đây đã trở nên giàu có, sung túc.
Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên san sát, hàng quán, cửa hiệu khắp nơi… góp phần tô điểm cho sự đổi thay ở vùng quê biển đang trên đà khởi sắc trở thành một đô thị biển trong tương lai.
Theo người dân địa phương, những nhà cao tầng đồ sộ đều là của chủ tàu hành nghề khai thác thủy sản xa bờ, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương. Có những chủ tàu câu cá ngừ bây giờ đã mở cửa hàng, công ty thủy sản, xưởng đóng tàu hoặc sở hữu cả đội tàu câu cá ngừ nhiều chiếc với hàng chục, hàng trăm lao động.
Lão ngư Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng khu phố Thiện Chánh 2, phường Tam Quan Bắc - có hơn 40 năm bám biển nhớ lại, trong ký ức của những người dân làng biển, sự vất vả, khó khăn ngày nào vẫn còn in hằn trong tâm trí.
Trước đây, cả thôn chỉ có vài chục chiếc thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ. Chẳng ai dám nghĩ đến chuyện vươn ra biển lớn. Nhưng hơn 10 năm qua, khi Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân thì nhiều người đã vay mượn vốn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn ra khơi xa. "Nhờ vậy, vài năm gần đây ở địa phương đã có rất nhiều ngư dân vươn lên trở thành tỷ phú", ông nói.
Theo ông Hồng, trước năm 1975, khu phố Thiện Chánh 2 nằm chơi vơi giữa biển cả, toàn gai xương rồng và cỏ dại. Cuộc sống mưu sinh của người dân làng biển nghèo nơi đây chỉ quanh quẩn ven bờ, con cá con tôm không dễ tìm kiếm. Cái khó, cái nghèo cứ mãi đeo bám từ thế hệ này sang thế hệ khác.
"Giờ khác rồi, cảng cá sầm uất, tàu công suất neo đậu đông đúc, trên bờ thì nhà cao tầng được thiết kế theo kiểu biệt thự mang dáng dấp hiện đại, khang trang chẳng khác gì thành phố", ông Hồng nói.
Ở phường Tam Quan Bắc nói chung, Thiện Chánh 1, Thiện Chánh 2 nói riêng, trước đây lão ngư Bùi Thanh Ninh (còn gọi là Sáu Ninh) từng là mơ ước của nhiều ngư dân trẻ, bởi khả năng chinh phục và làm giàu từ biển của ông.
Ông Sáu Ninh cũng được xem như "vua tàu cá" ở thị xã Hoài Nhơn. Bây giờ tuổi cao, ông Ninh không còn "cưỡi gió, đạp sóng" mà ngồi nhà chỉ huy đội tàu 12 chiếc của gia đình qua sử dụng thiết bị định vị các tàu, kết nối với điện thoại thông minh. Với thiết bị này, ông Ninh nắm bắt vị trí đánh bắt đội tàu, tình hình khai thác trên biển. Song, giờ đây ở Tam Quan Bắc đã xuất hiện những tỷ phú tuổi đời còn trẻ đã làm chủ từ 2 - 4 con tàu công suất lớn.
Mới ngoài 40 tuổi, ngư dân Trần Văn Sơn (ở Thiện Chánh 2) đã sở hữu đội tàu 10 chiếc có tổng công suất 6.000 CV, trị giá hàng chục tỷ đồng.
"Cái chính là nhờ biển ban tặng cá tôm cho mình, còn mỗi người phải chịu khó làm ăn, biết tính toán, nhạy bén trong cơ chế chính sách mới của nhà nước và mạnh dạn đầu tư đúng thời điểm mới đạt hiệu quả cao", ông Sơn nói.
Hơn 9.600 lao động đón Tết trên biển Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh này có khoảng 1.400 tàu cá với hơn 9.600 lao động đón Tết trên biển để khai thác thủy sản. Riêng thị xã Hoài Nhơn đã hơn 800 tàu, trong đó chủ yếu tập trung là tàu cá ngư dân phường Tam Quan Bắc. Đặc biệt, đang là vụ chính khai thác cá ngừ đại dương nên toàn tỉnh có 763 tàu với hơn gần 4.600 lao động hoạt động khai thác bám biển. Các tàu xuất bến đi khai thác từ ngày 18/1/2022 đến 23/1 (từ 16 đến 21/12 tháng Chạp), chủ yếu hoạt động khai thác ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, giữa Hoàng Sa - Trường Sa và DK1. |
(Theo Dân trí)